Nhiều phát sinh nếu đường băng duy nhất gặp sự cố
Cụ thể, ACV cho biết năm 2023, sản lượng khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất đã đạt trên 41 triệu hành khách. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không của TP.HCM và các tỉnh lân cận khoảng 71 triệu hành khách/năm.
Trong trường hợp đường băng duy nhất của sân bay Long Thành gặp sự cố thì phải chuyển các chuyến bay sang sân bay Tân Sơn Nhất, dẫn đến sự quá tải, phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến môi trường khi máy bay phải bay trên trời chờ hạ cánh.
Vì vậy, nếu sân bay Long Thành có 2 đường băng thì không còn lo ngại khi sự cố xảy ra, đồng thời có thể hỗ trợ tốt cho sân bay Tân Sơn Nhất trong trường hợp nơi này gặp sự cố.
Cũng theo ACV, nếu đợi đến khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác (dự kiến năm 2026) rồi mới khởi động xây dựng đường băng thứ 2, thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Vì bụi đất phát sinh trong quá trình đào đắp, thi công. Bên cạnh đó cũng sẽ có sự gián đoạn vì phải đấu nối hạ tầng, hệ thống điều khiển kỹ thuật… giữa 2 đường băng.
ACV tiết kiệm được 4.000 tỉ đồng
ACV cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án thành phần 3 sân bay Long Thành, ACV đã tiết kiệm được khoảng 4.000 tỉ đồng. Con số này có được từ việc tiết kiệm chi phí dự phòng và đặc biệt là tiết kiệm trong đấu thầu.
Trong khi đó tổng mức đầu tư đường băng thứ 2 là khoảng 3.300 tỉ đồng. Nếu xây dựng luôn đường băng thứ 2 thì ACV vẫn cân đối trọn vẹn trong tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3. Như vậy, chi phí đầu tư không tăng nhưng năng lực và hiệu quả khai thác lại tăng lên, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án.