Giải phóng mặt bằng chiếm hơn 4.600 tỉ đồng
Dự kiến tổng kinh phí để cải tạo 2 nút giao này hơn 13.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng nút giao cổng 11 chiếm đến 8.433 tỉ đồng. Số tiền này gần bằng mức đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (9.000 tỉ đồng).
Theo dự toán, kinh phí chiếm phần lớn để giải phóng mặt bằng khi có hàng trăm hộ dân ở xung quanh vòng xoay phải giải tỏa với số tiền dự kiến lên đến 4.639 tỉ đồng, còn chi phí xây dựng 3.794 tỉ đồng.
Theo tư vấn thiết kế, nút giao cổng 11 giao cắt giữa QL51 với đường Võ Nguyên Giáp và đường Bùi Văn Hòa, hình thành 1 nút giao ngã tư đảo xuyến và 2 nút giao ngã 3 điều khiển bằng đèn tín hiệu.
Hiện trạng thì dòng giao thông chính là từ Bà Rịa - Vũng Tàu về cầu Đồng Nai và ngược lại nên tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại 2 nút giao ngã 3.
Theo dự báo, sau khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đưa vào khai thác thì tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc xảy ra trên nút giao ngã tư đảo xuyến do lưu lượng tập trung từ cầu Đồng Nai vào cao tốc và ngược lại, có khả năng trầm trọng hơn.
Do lưu lượng giao thông trên các tuyến đường thông qua nút giao này rất lớn và tính chất phương tiện tham gia giao thông chủ yếu là xe tải lớn và container nên phương án tổ chức giao thông bằng đảo xuyến và đèn tín hiệu đã không đáp ứng được yêu cầu. Dẫn đến tình trạng chờ đèn giao thông kéo dài, từ nút này sang đến nút khác, gây ra tình trạng ùn tắc toàn bộ khu vực nút giao.
Chia thành 2 giai đoạn để đầu tư
Trên cơ sở hiện trạng và quy hoạch khu vực nút giao, đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra phương án xây dựng nút giao có mức liên thông hoàn chỉnh và phân kỳ đầu tư để phù hợp với điều kiện giao thông cũng như nguồn vốn.
Giai đoạn 1: Xây dựng cầu vượt 2 chiều dọc theo đường Võ Nguyên Giáp vượt qua ngã tư giữa đường Bùi Văn Hòa với đường Võ Nguyên Giáp và ngã 3 giữa đường Võ Nguyên Giáp với đường QL51. Xây dựng nút giao đảo xuyến tự điều chỉnh dưới cầu vượt và xây dựng cầu vượt 1 chiều theo hướng từ Bùi Văn Hòa đi Vũng Tàu vượt qua nút giao ngã 3 giữa đường Bùi Văn Hòa và đường QL51.
Giai đoạn 2 xây dựng thêm cầu vượt trên tầng 3 theo hướng từ QL51 sang đường Bùi Văn Hòa và xây dựng các nhánh kết nối từ cầu vượt tầng 3 với cầu vượt tầng 2, hình thành nút giao hoa thị hoàn chỉnh. Dưới mặt bằng ưu tiên cho xe máy.
Khởi công cao tốc Dầu Giây - Tân Phú trong năm 2024
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài hơn 60 km, theo thiết kế đường có quy mô 4 làn xe, vận tốc 100 km/h, tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỉ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.450 tỉ đồng). Để triển khai dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú cần thu hồi khoảng gần 380 ha đất tại 4 huyện của tỉnh Đồng Nai: gồm Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú.
Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có điểm đầu tại nút giao giữa QL1 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (thuộc H.Thống Nhất), điểm cuối giao với QL20 và kết nối với với cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc (thuộc H.Tân Phú, Đồng Nai). Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dự kiến khởi công vào cuối năm 2024, đưa vào khai thác năm 2027.