Trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ CĐ ngành giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa đổi, bổ sung 2 khoản trong điều 18 quy chế hiện hành về tổ chức đăng ký và xét tuyển sớm. Dự thảo nêu, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo. Trường bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 27.11, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), đã làm rõ cách hiểu về xét tuyển sớm trong dự thảo quy chế tuyển sinh. PGS Thủy cho biết: "Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là 2 thứ khác nhau. Trong đó, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi".
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh (không có phương thức nào được gọi là "phương thức xét tuyển sớm", vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển). Do hiểu nhầm là chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển "riêng" (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu. Cũng vì hiểu chưa đúng, thí sinh (TS) lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…
"TS không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, TS vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị. Từ 2 năm nay, Bộ GD-ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…), đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Do đó, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường", PGS-TS Thu Thủy khẳng định.
ĐIỀU CHỈNH PHƯƠNG THỨC XÉT TUYỂN PHÙ HỢP TỪNG GIAI ĐOẠN
Với định hướng trên, một số trường ĐH cho biết đã xoay chuyển các phương thức xét tuyển cho phù hợp với từng giai đoạn xét tuyển theo tinh thần của dự thảo quy chế. Đáng chú ý, nhiều trường chuyển một số phương thức xét tuyển từ giai đoạn xét tuyển sớm vào giai đoạn xét tuyển chung trong năm 2025.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dự kiến sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Cụ thể, xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho khoảng hơn 30 ngành (40 - 50% chỉ tiêu mỗi ngành); xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (áp dụng cho 20 - 40% cho các ngành có sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70 - 80% cho các ngành còn lại).
Với dự kiến điều chỉnh cách thức xét tuyển sớm trong dự thảo quy chế của Bộ GD-ĐT, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết dự kiến trường xét tuyển sớm phương thức ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu tùy ngành). Các phương thức tuyển sinh khác dự kiến thực hiện theo lịch chung của Bộ GD-ĐT. Như vậy, so với cách làm của năm 2024 trở về trước, phương thức xét dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường ĐH này được chuyển từ giai đoạn xét tuyển sớm sang xét tuyển chung.
Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến giữ ổn định các phương thức tuyển sinh cho năm 2025. Tuy nhiên, trường điều chỉnh các phương thức xét tuyển cho phù hợp với giai đoạn xét tuyển khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết trường dự kiến chỉ xét tuyển sớm với phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (tối đa 20% chỉ tiêu). Hai phương thức xét tuyển dựa vào học bạ và điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, sẽ chuyển từ giai đoạn xét tuyển sớm sang xét tuyển chung đợt với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức vào năm 2025, gồm: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025 (khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30 - 50% tổng chỉ tiêu). Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên trường này, cho biết đợt xét tuyển sớm tối đa 20% chỉ tiêu áp dụng cho phương thức xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Hai phương thức còn lại sẽ xét tuyển chung trong đợt 1 theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT.
Năm 2025, Trường ĐH Đà Lạt dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức: dựa vào kết quả thi THPT; dựa vào kết quả học bạ năm lớp 12; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia; xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét tuyển thẳng TS tốt nghiệp THPT có 3 năm liên tục đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên vào các ngành phù hợp với môn chuyên hoặc môn đạt giải. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết giai đoạn xét tuyển sớm chỉ áp dụng với phương thức xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và xét tuyển thẳng TS tốt nghiệp THPT có 3 năm liên tục đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên vào các ngành phù hợp với môn chuyên hoặc môn đạt giải (khoảng 20% chỉ tiêu). Các phương thức còn lại xét tuyển chung 1 đợt gồm: xét học bạ, xét điểm thi năng lực và xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.
Phương thức xét tuyển kết hợp
Riêng cách làm của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hiện nay khá phù hợp với dự thảo quy chế, đặc biệt phương thức xét tuyển kết hợp.
PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm 2025 trường dự kiến có 2 phương thức tuyển sinh chủ đạo gồm: xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT và quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển kết hợp (đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, học lực THPT và năng lực khác). Trong đó, phương thức xét tuyển thẳng theo quy định Bộ GD-ĐT và quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến được thực hiện trong giai đoạn xét tuyển sớm. Phương thức xét tuyển kết hợp, TS được đánh giá dựa trên học lực, thành tích cá nhân và hoạt động xã hội - văn thể mỹ. Trong đó, yếu tố học lực gồm 3 thành phần: kết quả học tập ở bậc THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực. Trong năm 2025, phương thức xét tuyển kết hợp cũng thực hiện trong giai đoạn xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT.