Theo lãnh đạo Sở Y tế, trong 14 khuyến cáo đưa ra thì tại khuyến cáo số 7 đã chỉ rõ việc mỗi bệnh viện cần quy định mốc thời gian tối đa cho người bệnh nằm điều trị và theo dõi tại giường lưu thuộc khoa cấp cứu. Đảm bảo khoa cấp cứu luôn sẵn có giường trống để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu mới. Đảm bảo sau 4 – 6 giờ cấp cứu, bệnh nhân ổn định, cần được chuyển về các khoa phù hợp điều trị.
Điều quan trọng, lãnh đạo bệnh viện phải phân quyền cho khoa cấp cứu và giao trách nhiệm cho các khoa nội trú phải chấp hành nghiêm việc điều chuyển bệnh nhân.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 18 - 24.11, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận 22.813 ca cấp cứu, trong đó có 2.411 ca phải phẫu thuật và 6 ca báo động đỏ nội viện. Ngoài ra, các biện viện cũng tiếp nhận hơn 657.000 lượt khám bệnh ngoại trú và 60.126 ca điều trị nội trú (số ca nhập viện mới là hơn 35.000 ca).
Coi chừng đi cấp cứu do đột quỵ dịp cuối năm
PGS-TS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, cho biết vào cuối năm (tháng 11, 12) nhiều người rất dễ bị đột quỵ. Thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi kèm với khí hậu ẩm ướt đều có thể được xem là yếu tố "kích hoạt" đột quỵ.
Số liệu qua nhiều năm tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy, vào những tháng cuối năm và kéo dài đến đầu năm sau, tỷ lệ nhập viện do xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp có khuynh hướng cao rõ rệt.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo:
- Cần kiểm soát chặt các bệnh nền, đặc biệt là tăng huyết áp vì huyết áp có thể bị đẩy lên rất cao trong khi thời tiết thay đổi khi chuyển mùa.
- Người lớn tuổi, béo phì và có nhiều bệnh nền kèm theo được xem là những đối tượng có nguy cơ cao.
- Cuối năm, có nhiều dịp ăn uống, sử dụng bia rượu sẽ có thể làm cho mức huyết áp tăng kịch trần. Do vậy, cần tiết chế tối đa.
- Bệnh nhân tăng huyết áp, nên để sẵn một vài viên thuốc kiểm soát huyết áp ở nơi có thể khi cần sử dụng ngay.