Bác sĩ Lê Nguyễn Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, 9 tháng đầu năm 2024 hệ thống cấp cứu 115 đã tiếp nhận 270.000 cuộc gọi cấp cứu. Trong đó có 10 - 15% cuộc gọi có nhu cầu cấp cứu thật sự, còn lại liên quan đến tư vấn y tế và các vấn đề khác.
Trong số bệnh nhân cấp cứu do Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận xuất xe thì số ca đột quỵ chiếm 5% (gần 300 ca). Số ca cấp cứu đột quỵ ở khu trung tâm, khu mật độ dân cư cao nhiều hơn so với các khu khác. Nhưng theo bác sĩ Hoàng, cấp cứu đột quỵ chiếm tỷ lệ còn thấp so với nhu cầu thực tế của người dân.
"Bên cạnh có lực lượng y tế chuyên nghiệp đến hiện trường cấp cứu, vận chuyển người bệnh kịp thời đến bệnh viện viện thì Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đã ban hành hướng dẫn sơ cứu đột quỵ qua điện thoại, quy trình khai thác và cấp cứu đột quỵ… góp phần cải thiện và nâng cao cấp cứu đột quỵ, cũng như nâng cao ý thức của người dân", bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Mạng lưới cấp cứu 115 TP.HCM sẽ được mở rộng
Về triển khai cấp cứu đột quỵ ngoại viện, kết quả cho thấy, thời gian tiếp cận hiện trường dao động từ 12 - 16 phút, thời gian trung bình tại hiện trường là 12 phút. Tỷ lệ các bệnh viện được thông báo trước khi có ca đột quỵ chuyển đến là 99%. Tỷ lệ bệnh nhân được chuyển đến bệnh có điều trị đột quỵ chiếm 89%. Tỷ lệ bệnh nhân được khai thác tiền sử bệnh trước liên quan đến đột quỵ đạt 100%. Tỷ lệ bệnh nhân được khai thác từ lúc xuất hiện triệu chứng nghi ngờ đột quỵ đạt 100%...
Theo bác sĩ Hoàng, tương lai khi mạng lưới cấp cứu 115 được mở rộng, đa dạng hóa phương tiện cấp cứu thì sẽ rút ngắn thời gian tiếp cận hiện trường.
Ngoài cấp cứu thường quy, bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết thêm, trung tâm sẽ tiếp tục quản lý trường hợp cấp cứu đột quỵ ngoại viện và các bệnh khác như cấp cứu ngừng tim, chấn thương… trong các năm tới, với mục tiêu phục vụ tốt hơn nhu cầu người dân.
EMS ANGELS là giải thưởng chuyên môn trong lĩnh vực quản lý chất lượng quy trình cấp cứu đột quỵ ngoài bệnh viện do Hiệp hội cấp cứu ngoại viện châu Âu (EUSEM), phối hợp với Hệ thống quản lý chất lượng đột quỵ toàn cầu (RES-Q) và chương trình Angels Initiative triển khai vào năm 2021.
Giải thưởng nhận được sự tư vấn chuyên môn từ các tổ chức đột quỵ uy tín như Hội đột quỵ thế giới (WSO), Hội đột quỵ châu Âu (ESO), và tại Việt Nam là sự hỗ trợ từ Hội đột quỵ Việt Nam (VNSA), Hội đột quỵ TP.HCM (HSA) và Hội đột quỵ Hà Nội (HNSA).
Tính đến nay, đã có 15 quốc gia tham gia với 285 giải thưởng được trao từ quý 2/2021.
Mục tiêu của giải thưởng là nhằm giúp các đơn vị tham gia hoàn thiện quy trình cấp cứu đột quỵ ngoại viện, từ khâu tiếp cận bệnh nhân đột quỵ tại hiện trường đến khi đưa được bệnh nhân đến cơ sở điều trị tối ưu nhất. Là công cụ giúp phân tích quy trình toàn diện, trực quan hóa và dễ dàng cho việc đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc đột quỵ lâu dài.
Tại Việt Nam, có 2 đơn vị tham gia giải thưởng là Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM và Đà Nẵng. Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM bắt đầu triển khai kế hoạch quản lý trường hợp cấp cứu bệnh nhân đột quỵ ngoại viện vào tháng 7.2023 và chính thức gửi số liệu cho ESO/WSO ANGELS từ tháng 7.2024 để xét giải thưởng EMS ANGELS. Sau 3 tháng tham gia giải thưởng, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM đã đạt giải thưởng ở mức độ Vàng.