Luân phiên tái hiện lễ hội của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn H.A Lưới, lần đầu tiên tại Ngày hội VH-TT-DL các dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên-Huế diễn ra giữa tháng 5.2024, lễ hội Tấk ka coong của người Cơ Tu được tổ chức với những phần nghi thức đặc sắc. Tham gia lễ hội với vai trò chủ lễ, già làng Hồ Văn Sáp (83 tuổi, trú tại xã Lâm Đớt, H.A Lưới) cho hay lễ Tấk ka coong được phục dựng theo đúng tập quán truyền thống từ xa xưa. "Ngày trước, cứ 3 - 4 năm, lễ hội lại được tổ chức một lần cùng ka coong, cùng xứ mường. Lễ hội là dịp để tạ ơn các vị thần đã ban cho con cháu, bản làng người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ... đồng thời cầu xin các vị thần tiếp tục che chở cho bản làng", già Sáp nói.
Dõi theo các nghi thức, tôi chứng kiến cộng đồng người Cơ Tu chia lễ hội thành 4 phần chính. Ngày cử lễ, già làng cùng các trưởng tộc, trưởng họ sẽ tiến hành lễ đầu tiên là chôn cây nêu (Choh cọ) được trang trí rất đẹp mắt. Đây là nghi thức đặc biệt quan trọng bởi người Cơ Tu quan niệm cây nêu như một lời mời, dấu hiệu nhận biết để Yàng (trời) và các vị thần về với lễ hội. Già Sáp bảo cây nêu phải vững chãi khi buộc trâu cũng là nghi lễ thứ 2 (Tong ti rỉ), bởi nó biểu thị cho sự trường tồn của bản làng, sự đoàn kết của cộng đồng.
Ngày trước, khi người Cơ Tu còn tiến hành lễ đâm trâu (Chươt ti rỉ), cột nêu phải được chôn kiên cố và có thể chịu được sự giằng kéo của con trâu. Nay không còn cảnh đổ máu từ lễ đâm trâu nên cột nêu cũng được thiết kế nhẹ nhàng hơn. Dẫu vậy, người Cơ Tu khi tái hiện lễ đâm trâu đều có các hoạt động văn hóa đặc sắc, nhất là cảnh nam thanh nữ tú trong trang phục truyền thống, say sưa nhảy múa theo điệu tâng tung za zã. Sau phần này, nghi thức cuối cùng là lễ Tấk ka coong với phần dâng mâm cỗ lên các vị thần bởi những chàng trai, cô gái Cơ Tu đẹp người, đẹp nết. Tôi đứng sát bên và nghe rõ lời khấn nguyện của già làng Hồ Văn Sáp: "Ơi Yàng! Mâm cỗ lễ hội Tấk ka coong bày trên bàn Para cao ráo sạch sẽ. Kính mời thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối đến thưởng thức…".
Bàn Para được thiết kế độc đáo với 3 tầng. Trong đó, tầng cao nhất nằm chính giữa, 2 tầng 2 bên ngang bằng nhau. Bên trên bàn Para được che bằng một tấm thổ cẩm dài. Chân bàn được buộc những thân mía tươi còn nguyên lá và các tua rua trang trí vót từ cây nứa. Những món ăn dâng lên các vị thần được chế biến từ vật tế, như: trâu, bò, dê, heo, gà… cùng các món bánh a koat, a zưh, âng coh... được làm từ những hạt nếp than dẻo thơm. Ngoài ra còn có các hiện vật, như thổ cẩm, cồng, chiêng, chum, ché, chiếu…
ĐỘC ĐÁO NÉT VĂN HÓA GIỮ RỪNG
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng VH-TT H.A Lưới, cho biết mới đây qua nghiên cứu, sưu tầm các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn, Phòng đã chọn 6 lễ hội tiêu biểu đại diện cho 3 dân tộc (Cơ Tu, Pa Kôh, Tà Ôi). Theo đó, lễ hội nào có quy mô lớn hơn sẽ được tổ chức trước. "Hai năm trước, chúng tôi tổ chức tái hiện 2 lễ hội của dân tộc Pa Kôh và Tà Ôi. Năm nay, chúng tôi tiếp tục tái hiện lễ hội Tấk ka coong của đồng bào Cơ Tu. Từ những nghi thức của lễ hội có thể thấy từ xa xưa, đồng bào đã hình thành nét văn hóa tôn thờ mẹ thiên nhiên, núi rừng hết sức độc đáo. Bởi vậy, lễ hội tạ ơn thần núi, thần rừng sẽ khơi dậy ý thức giữ rừng không chỉ riêng với người Cơ Tu mà còn cả với cộng đồng", bà Thêm nói.
Trong khi Tấk ka coong được người Cơ Tu ở A Lưới thực hiện vào những ngày nông nhàn của các tháng mùa hè hằng năm thì với người Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu đ'riu) như ở Tây Giang (Quảng Nam) thì lễ hội khai năm tạ ơn rừng thường được tổ chức vào tháng giêng mỗi năm, trong 3 ngày 2 đêm. Năm 2024 là năm thứ 7, H.Tây Giang tổ chức lễ hội và dần trở thành "thương hiệu" của địa phương, thu hút du khách mỗi dịp đầu năm mới.
"Đây là dịp con cháu tập trung về làng và thể hiện lòng biết ơn mẹ của đại ngàn năm qua phù hộ, độ trì, dân làng khỏe mạnh, được mùa, được việc... Rừng còn dân phát triển, rừng mất dân suy vong. Đó là mục đích, ý nghĩa đích thực xưa nay ông bà người Cơ Tu làm lễ khai năm tạ ơn rừng", nhà nghiên cứu Bh'riu Liếc (nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang) cho biết.
Ông Liếc phân tích thêm lễ hội khai năm tạ ơn rừng tạo thành nền nếp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ định kỳ, thể hiện lòng biết ơn chân thành với trời đất - rừng núi, ông bà - tổ tiên. Khi gần kết thúc lễ hội, điều không thể thiếu đó là già làng nói chuyện, động viên mọi người có trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc… Tại H.Tây Giang, nhân dịp này, chính quyền kết hợp gặp gỡ, động viên khen thưởng tập thể, cá nhân xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng để khích lệ tinh thần "giữ rừng như giữ làng". Có lẽ nhờ thế mà H.Tây Giang đang gìn giữ nhiều rừng cổ thụ, như rừng lim, rừng đỗ quyên…, nhất là rừng pơ mu với quần thể 725 cây đã được công nhận là Cây Di sản VN. (còn tiếp)
Phát triển lễ hội thành sản phẩm du lịch
Phó chủ tịch UBND H.A Lưới Nguyễn Văn Hải cho biết để tổ chức lễ hội Tấk ka coong, huyện đã mời các già làng, người có uy tín để tìm hiểu các nghi lễ, lễ vật… đảm bảo lễ hội được tái hiện đầy đủ, trang trọng nhưng cũng phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay. Thời gian tới, huyện sẽ nghiên cứu đưa các lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lễ hội Tấk ka coong, vào khai thác tại các địa điểm nhằm bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch…