Trường mầm non tư thục 'hụt hơi'

08:56 - 24/09/2024

Năm học mới 2024 - 2025 đã bắt đầu, nhưng nhiều cơ sở giáo dục mầm non tư thục vẫn chưa tuyển sinh đủ sĩ số cho các lớp. Tình hình kinh tế khó khăn từ sau Covid-19 cùng với số trẻ mầm non giảm khiến nhiều cơ sở "gồng" không nổi đã phải đóng cửa.

MANG TIỀN NHÀ ĐI BÙ LỖ

Trên đường Trần Đình Xu, Q.1, TP.HCM, Trường mầm non C.D đã đóng cửa, trả mặt bằng từ sau dịch Covid-19 tới nay. Trường mầm non T.O.V, một cơ sở giáo dục mầm non tư thục khác, khá lớn nằm ngay mặt tiền đường Trần Quốc Toản, Q.3 cũng đóng cửa, dừng hoạt động khá lâu.

Trường mầm non tư thục 'hụt hơi'

Một cơ sở mầm non tư thục trên đường Trần Quốc Toản, Q.3 đóng cửa

ẢNH: THÚY HẰNG

Là một trong những trường mầm non ngoài công lập đầu tiên trên địa bàn Q.Bình Thạnh, TP.HCM, Trường mầm non Kim Đồng (1A1 Thanh Đa, P.27) tới nay đã có 34 năm hoạt động. Song, nhà giáo Hồ Thị Thương, 72 tuổi, chủ trường mầm non này, đã phải thốt lên với PV Thanh Niên: "Từ sau dịch Covid-19, chúng tôi khó khăn và bây giờ ngày càng khó khăn hơn. Sĩ số học sinh giảm tới 2/3, trước đây chúng tôi có 100 - 120 trẻ nhưng bây giờ sĩ số mới hơn 40 trẻ. Trong khi đó, trường có mười mấy giáo viên, nhân viên".

"Tiền thuê đất phải trả mỗi tháng là 23.690.000 đồng. Từ sau dịch, kinh tế càng khó khăn, tôi làm văn bản gửi tới UBND Q.Bình Thạnh, Công ty dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh để trình bày và mong được giảm tiền thuê đất, giảm được đồng nào chúng tôi quý đồng đó nhưng chưa thấy hồi âm. Số trẻ thì ít, nên để có tiền trả mặt bằng, trả lương cho nhân viên, tôi phải lấy tiền của nhà mình đi bù lỗ. Các con tôi thúc giục "mẹ ơi đừng làm nữa, mẹ mở trường mà cứ phải lấy tiền nhà mình đi bù lỗ hoài, thì mẹ nghỉ đi cho khỏe", nhưng tôi yêu nghề quá, không thể nào nghỉ được", bà giáo Thương tâm tư.

SỐ TRẺ ĐẾN TRƯỜNG LỚP MẦM NON TƯ THỤC GIẢM DẦN

Bà giáo Thương từng có 10 năm là Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Măng Non 27 (trường công lập, bây giờ là Trường mầm non 27). Bà cho hay, hơn 30 năm trước, động lực thôi thúc bà mở trường mầm non tư thục là để tạo điều kiện cho các bé theo ba mẹ lên TP.HCM lao động, chưa có hộ khẩu ở TP.HCM đều có thể đi học mầm non (trước đây muốn học ở trường mầm non công lập phải có hộ khẩu, hoặc sổ tạm trú KT3 ở thành phố, hiện nay không cần - PV).

Trường mầm non tư thục 'hụt hơi'

Trường mầm non Kim Đồng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), trường tư thục thành lập 34 năm, từ sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn

ẢNH: THÚY HẰNG

Song, bà giáo Thương cảm nhận từ khi hết dịch Covid-19, người lao động từ TP.HCM về quê nhiều hơn, con em cũng theo cha mẹ về, tỷ lệ sinh đẻ thấp đi, trẻ xin học vào các cơ sở mầm non công lập cũng dễ dàng hơn, nên số trẻ đến các trường lớp mầm non tư thục không nhiều như trước nữa. "Chúng tôi rất mong được nhà nước hỗ trợ, giảm tiền thuê đất hằng tháng, san sẻ khó khăn lúc này. Nhiều cô giáo, bảo mẫu đã đi theo trường hơn 20 năm, bây giờ trường đóng cửa, họ lớn tuổi, không biết xin việc ở đâu…", bà Thương ngậm ngùi.

Anh T.M, chủ một trường mầm non tư thục tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho biết thực tế tuyển sinh năm nay chậm hơn các năm trước. Bằng giờ này năm ngoái, đầu năm học mới đã tuyển đủ sĩ số cho các lớp. Tuy nhiên, hiện số lượng trẻ đăng ký chỉ khoảng 80% so với cùng kỳ năm trước.

Theo anh T.M, trường của anh vẫn ổn định và tình hình khả quan hơn một số trường mầm non tư thục lớn khác ở phân khúc học phí cao hơn. Một số trường hoạt động cầm chừng, trễ lương, hoặc quyết định đóng cửa ngưng hoạt động trong bối cảnh tuyển sinh chậm, nhưng vẫn phải gồng tiền thuê mặt bằng "khủng", rồi quỹ lương nhân sự. Chi phí tăng nhiều nhưng sĩ số trẻ giảm sút, học phí cũng không thể tăng nhiều khi kinh tế phụ huynh gặp khó khăn.

Số trẻ mầm non năm học này ít hơn hẳn các năm trước

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết hiện nay các đơn vị đầu tư giáo dục mầm non ở các quận, huyện ngoại thành, ven TP như Q.Bình Tân, H.Hóc Môn, Q.12, H.Bình Chánh… vẫn tuyển sinh ổn định vì ở đó mật độ dân cư cao, số trẻ em nhiều. Còn lại ở các quận trung tâm, đặc thù như Q.1, Q.3 thì mật độ dân cư thấp, ít trẻ.

Đáng chú ý, theo báo cáo sơ bộ từ các phòng GD-ĐT, bà Điệp nhìn nhận năm nay số trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non thấp hơn các năm học trước, nhiều trường công lập cũng ít trẻ, có thể do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ các năm 2020, 2021, số lượng trẻ được sinh ra trong các năm này ít hơn. Mỗi năm học trước, trung bình tổng số trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trong TP khoảng 350.000 trẻ. Song hiện tại, đầu năm học 2024 - 2025 này, trên cơ sở dữ liệu mới thấy hơn 280.000 trẻ.

Đâu là những lý do khiến mầm non ngoài công lập năm nay lao đao? Anh T.M chỉ ra một số nguyên nhân, như tình hình kinh tế đang chậm lại, ảnh hưởng thu nhập của phụ huynh. Các trường công lập được mở mới liên tục, cơ sở vật chất hiện đại và rộng rãi. Ngoài ra, trong giai đoạn dịch Covid-19, số lượng trẻ em sinh mới ít hơn trung bình, nên giảm sĩ số trẻ nhập học mầm non năm nay.

Theo anh T.M, phân khúc cơ sở giáo dục học phí 8 - 10 triệu đồng/trẻ/tháng sẽ đối diện nhiều khó khăn hơn cả, vì chi phí vận hành lớn nhưng số lượng tuyển sinh lại không như mong muốn. Theo anh quan sát, những chuỗi trường phải đóng bớt cơ sở nằm trong phân khúc học phí 8 - 10 triệu đồng.

Cô Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập Faros Education & Consulting, đơn vị chuyên về tư vấn cho các tổ chức giáo dục, công nhận những thực tế khó khăn của nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hiện nay. Ví dụ trước đây các cơ sở giáo dục mầm non có vài trăm trẻ là rất phổ biến, còn bây giờ đa số là 60 - 80 trẻ/cơ sở. Một số trường lớn đã đóng cửa vì tuyển sinh được quá ít.

Trong khi đó, các khoản đầu tư để vận hành một trường mầm non là rất lớn. Do đó, khi sĩ số trẻ thấp mà chi phí vận hành lớn, chủ trường/lớp "gồng" năm này qua tháng nọ, tới khi "gồng" không nổi đành phải đóng cửa. (còn tiếp)

Bậc mầm non dư phòng học

Tính đến cuối năm học 2023 - 2024 theo cơ sở dữ liệu ngành tại website https://csdl.hcm.edu.vn/ thì số trường mầm non tại TP.HCM là 1.248 (công lập là 474; trường tư thục là 774), giảm 39 trường so với năm học 2022 - 2023.

Số nhóm, lớp độc lập tư thục là 1.955, tăng 219 nhóm, lớp độc lập so với năm học trước.

Số nhóm trẻ (tối đa 7 trẻ) giảm 44 nhóm trẻ so với năm học 2022 - 2023. Nhưng tổng số trẻ đến lớp các cơ sở giáo dục mầm non cả công lập và ngoài công lập của năm học 2023 - 2024 tăng 8.174 so với năm học trước.

Số trường giảm do không đảm bảo điều kiện Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26.5.2020 của Bộ GD-ĐT nên chuyển đổi sang loại hình nhóm lớp độc lập để tiếp tục hoạt động.

Năm học vừa qua, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị công tác chuẩn bị đảm bảo cơ sở vật chất giai đoạn 2022 - 2025, đảm bảo tiến độ thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi). Các sở, ngành có liên quan, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện thảo luận, qua đó cho thấy bậc mầm non dư phòng học do các đơn vị giáo dục mầm non ngoài công lập có số lượng nhiều. Hiện toàn TP.HCM có 16.608 phòng học bậc mầm non, 16.321 phòng kiên cố, tỷ lệ 98,27%; 287 phòng bán kiên cố, tỷ lệ 1,73%. Phường, xã nào cũng có trường mầm non công lập được xây dựng, sửa sang khang trang, sạch đẹp. Tính đến cuối năm 2023 - 2024, toàn TP có 265/1.248 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ 21,2%.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...