CẦN GIÁO DỤC TÀI CHÍNH CHO HS TỪ SỚM
Tuy nhiên, cô Phạm Thị Ngọc Lan, nhà sáng lập dự án hướng nghiệp và giáo dục tài chính SeedCareer (TP.HCM), cho rằng không nên cấm HS mang tiền đi học, mà quan trọng là giáo dục tài chính cho trẻ từ sớm.
"Trường tiểu học là một xã hội thu nhỏ. Ngay khi trẻ kết thúc bậc mầm non, bước vào trường tiểu học, căn tin với nhiều quà bánh thu hút sự chú ý của các em, kích thích nhu cầu sử dụng tiền của trẻ. Thậm chí có HS cứ đến giờ ra chơi là đứng nhìn ngắm các món hàng ở căn tin. Một số HS muốn tự mình mua món đồ gì đó ở căn tin hơn là để ba mẹ mua cho. Tùy theo tính cách, một số trẻ có thể về xin tiền ba mẹ để mua quà bánh, số khác tìm mọi cách để có tiền", cô Nguyễn Hoàng Duy Hiếu, GV Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.12, TP.HCM), chia sẻ.
Trong Chương trình GDPT 2018, giáo dục tài chính được tích hợp vào các môn học từ lớp 2 đến lớp 12, trong đó tập trung nhiều ở các lớp THCS và THPT. Chẳng hạn, sách toán lớp 2 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) có bài giới thiệu về tiền VN, cho HS làm quen với các tờ tiền. "Những bài học giáo dục tài chính thường được GV lồng ghép vào các môn học như toán hoặc hoạt động trải nghiệm. Chẳng hạn, sau bài học môn toán giới thiệu về tờ tiền VN, GV có thể giáo dục HS ý thức tiết kiệm tiền", cô Duy Hiếu chia sẻ.
Cần lồng ghép giáo dục tài chính cho HS tiểu học từ sớm. Sách toán lớp 2 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) và lớp 4 (Chân trời sáng tạo) có bài giới thiệu về tiền VN
ẢNH: PHÚC DUY
Dù vậy, các GV tiểu học chia sẻ cũng có một số trường hợp HS lấy tiền cho bạn để được bạn chú ý hay đơn giản để có nhiều bạn hơn. Chị Hồng, có con học ở Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM), kể: "Tôi từng bị sốc khi phát hiện trong cặp của con trai học lớp 2 có tờ 500.000 đồng. Tôi hỏi thì con nói được bạn tặng. Sau đó, tôi liên hệ với GV chủ nhiệm để trả lại". Theo chị Hồng, cô giáo đã quan sát, tìm hiểu và phát hiện một HS trong lớp thường lấy tiền trong túi của mẹ, không biết giá trị đồng tiền, chỉ đơn giản là thấy tờ giấy đẹp. Bé lấy tổng cộng hơn 2 triệu (với các tờ tiền mệnh giá khác nhau) đem vào lớp tặng bạn. GV làm việc với phụ huynh và lấy lại được hơn 1,8 triệu đồng.
DẠY CON QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Ngoài ý thức tiết kiệm tiền, khi con 10 tuổi, PH có thể đồng hành, trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho con, theo cô Phạm Thị Ngọc Lan.
"Giáo dục tài chính từ sớm sẽ giúp các con hiểu rõ đồng tiền xuất phát từ đâu, giá trị đồng tiền, dần dần hình thành thói quen tiêu xài đúng mức, chứ không chỉ biết xin tiền bố mẹ. Dạy cho con về quản lý tài chính cá nhân không phải là vấn đề quá to tát mà có thể lồng ghép vào sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn, vào đầu năm học mới, cha mẹ đưa con đến cửa hàng, nhà sách mua đồ dùng học tập, để cho con so sánh một cây bút hay quyển sách mỗi nơi có giá cả, chất lượng khác nhau và nên chọn mua ở nơi nào", cô Phạm Thị Ngọc Lan gợi ý.
Ở mức độ cao hơn, cô Phạm Thị Ngọc Lan cho hay PH có thể trao đổi với con về chi phí sinh hoạt trong gia đình một tháng, cùng con lên danh sách những thứ cần mua trước khi đi siêu thị để trở thành người tiêu dùng thông minh. "Một hoạt động đơn giản như vậy cũng giúp các con hiểu và nhận biết về lập ngân sách chi tiêu, hình thành kỹ năng quản lý tài chính cá nhân", cô nói thêm.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, việc giao một khoản tiền theo tuần hoặc tháng và hướng dẫn con tiêu xài phù hợp cũng là một bài thực hành hữu ích mà PH có thể làm cùng con.
Chẳng hạn, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, một PH ở Q.10, TP.HCM, cho biết: "Tôi cho con tiền đi học từ năm lớp 3 theo mỗi tuần. Nếu con lên THCS thì sẽ cho tiền tiêu vặt theo 1 tháng để con làm quen với việc lên kế hoạch chi tiêu phù hợp".
Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết thêm: "Khi dạy con về giá trị đồng tiền, tôi nói cho con biết một ngày mình đi làm kiếm được bao nhiêu cho con hiểu để có tiền thì ba mẹ vất vả thế nào, rồi đặt câu hỏi gợi mở con tính toán xem đã tiêu bao nhiêu trong 1 ngày và 1 tháng, rồi dùng tiền để mua những gì. Điều này giúp con phần nào hình dung ra giá trị của đồng tiền và biết tiết kiệm".