Độc đạo thu hút khán giả bởi nội dung phim rất hấp dẫn, không chỉ là chuyện phá án của các chiến sĩ công an đối đầu với tội phạm buôn bán ma túy, mà còn đi sâu vào những mối quan hệ phức tạp, giằng xé giữa các tuyến nhân vật đại diện cho phe chính - tà cùng những thù hận trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại. Bối cảnh phim cũng được mở rộng từ thành phố đến nông thôn và cả vùng núi phía bắc cùng với những cảnh truy sát, rượt đuổi gay cấn giữa các băng nhóm. Đặc biệt phim quy tụ dàn diễn viên "khủng" với những gương mặt từ gạo cội đến tài năng trẻ cùng với sự hỗ trợ của hàng trăm diễn viên quần chúng và lực lượng công an.
Nói về sức hút của dòng phim này đạo diễn Trần Trọng Khôi của Độc đạo cho biết: "Phim cảnh sát hình sự thường đề cập mặt tối của xã hội, thế giới của tội phạm và những vấn đề nóng hổi, nhạy cảm trong đời sống mà những dòng phim khác không hướng tới. Khán giả xem phim đề tài này họ thấy suy nghĩ của mình trong các nhân vật thiện - ác, mang tính giáo dục cao.... Và những góc khuất của thế giới tội phạm cũng khiến khán giả tò mò".
Xem Người phán xử đến Bão ngầm hay Biệt dược đen và hiện tại là Độc đạo, có thể thấy việc cài cắm những yếu tố của dòng phim hài đen (black comedy) vào để tạo điểm mới lạ cũng là xu hướng hiện nay. Trong Bão ngầm hay Độc đạo khán giả còn thấy những cảnh nhân vật đọc rap thông qua lời thoại, hoặc nhảy hip hop. Phó giám đốc VFC - đạo diễn Khải Anh, khẳng định: "Một trong những nét khác của Độc đạo so với các bộ cảnh sát hình sự trước đây như Mê cung, Hồ sơ cá sấu là chúng tôi đã thêm những tình huống, yếu tố hài hước vào một cách hợp lý để giúp cho bộ phim trở nên nhẹ nhàng, có tính giải trí hơn bên cạnh những tình huống căng thẳng, cân não và kịch tính. Bên cạnh đó thì lối kể chuyện bằng hình ảnh của đạo diễn và quay phim cũng mang lại cho người xem cách kể nhanh, lôi cuốn và những góc quay ấn tượng".
Đạo diễn Bão ngầm - Đinh Thái Thụy, cho biết trong phim đã sử dụng ca khúc chủ đề là nhạc rock do Tùng Dương thể hiện để tạo tiết tấu nhanh, hào hùng của phim. Ngoài ra còn cài cắm vài đoạn rap bởi đây là dòng nhạc hơi mới ở VN lúc đấy được giới trẻ ưa thích.
SỨC HÚT LỚN NHƯNG SẢN XUẤT NHỎ GIỌT
Đạo diễn Khải Anh cho biết dòng phim này hút khán giả nhưng không sản xuất nhiều được vì cần phải đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nhân lực, vật lực. Ví dụ riêng về kịch bản, thường sẽ phải mất từ 2 - 3 năm để hoàn thành, hoặc như phim Độc đạo, từ lúc lên ý tưởng rồi chỉnh sửa, có những lúc xóa đi làm lại, ê kíp sáng tạo đã phải bỏ ra tới 4 năm. Quá trình quay phim cũng như vậy bởi phim hình sự thường đòi hỏi bối cảnh đa dạng, nhiều cảnh quay ở vùng rừng, núi chứ không thể suốt ngày ngồi văn phòng, quán xá được nên đoàn phim cũng phải đi xa và tốn nhiều thời gian để sản xuất.
Kinh phí ít cũng ảnh hưởng đến sản xuất. "Kinh phí cho một bộ phim hình sự có thể gấp nhiều lần phim thể loại khác, trong khi yêu cầu về năng lực cũng như sức làm việc của các thành phần trong ê kíp cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn, một bộ phim gia đình, có thể tôi chỉ viết khoảng 15 phân đoạn cho 1 tập. Nhưng Độc đạo, có những tập số lượng phân đoạn mà tôi viết lên đến 60. Đó là một thử thách khủng khiếp. Số lượng biên kịch có thể viết được hình sự và sẵn lòng viết hình sự cũng rất ít, do công sức và thời gian bỏ ra cao gấp nhiều lần viết các dòng phim khác, nhưng thu nhập vẫn vậy. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị trí khác trong đoàn phim, như đạo diễn, hoạ sĩ, quay phim hay diễn viên. Thậm chí làm hậu kỳ cho phim hình sự cũng vất vả gấp nhiều lần", nhà biên kịch Phạm Đình Hải nói.
Đạo diễn Trần Trọng Khôi cho biết anh gặp nhiều khó khăn trong khâu đạo cụ, bối cảnh và hóa trang. Chuyên viên hóa trang giỏi ở VN không nhiều trong khi phim hình sự lại rất nhiều những cảnh máu me, vết rách, vết đạn bắn. Phim cảnh sát hình sự mà đạo cụ súng ống lại rất thiếu thốn. Việc thuê, mượn bối cảnh cũng rất gian nan. "Như phim Độc đạo muốn có cảnh quay ở các biệt thự, du thuyền thì phải tận dụng tất cả các mối quan hệ để mượn. Chúng tôi phải mất một tháng rưỡi tìm biệt thự cho cảnh nhà Hưng "khẹc" nhưng không có nhà nào cho mượn kiểu bởi họ ngại mình quay cảnh bắt bớ, tù tội, công an… trong nhà họ, hoặc ngại bị soi mói này kia".
LỰC LƯỢNG CÔNG AN KHÔNG GIÚP ĐỠ THÌ KHÔNG THỂ LÀM
Khó khăn lớn nhất khi làm phim cảnh sát hình sự là vấn đề thể hiện trong phim chuyên môn, nghiệp vụ của ngành cảnh sát từ xe cộ, súng ống, phục trang, tác nghiệp… Nếu không được sự giúp đỡ của bên lực lượng công an thì chắc chắn không thể làm ra được bộ phim chân thực.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy