Để doanh nghiệp phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, cần sự quan tâm và hành động thiết thực tới các doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong thời gian qua, hàng loạt các định hướng, nghị quyết, chính sách của Đảng và Chính phủ cùng các bộ, ngành đã được ban hành nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Nhà nước thể hiện vai trò kiến tạo trên tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội.
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, cũng như khủng hoảng kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã luôn đồng hành tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh.
Về phần mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẵn sàng chung tay cùng chính quyền địa phương hợp tác, chia sẻ, hưởng ứng các chủ trương chính sách đảm bảo an ninh quốc phòng và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ vẫn chưa thể đến được với các doanh nghiệp, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, để doanh nghiệp phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước, tôi kiến nghị một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần quan tâm và hành động thiết thực tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam chiếm đến hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu được quan tâm, hỗ trợ kịp thời, trong số các doanh nghiệp này, nhiều doanh nghiệp sẽ có điều kiện và cơ hội để phát triển lên thành những doanh nghiệp lớn. Do đó, cách tiếp cận chính sách sẽ cần chuyển từ tháo gỡ vướng mắc sang chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thứ hai, bảo vệ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp làm ăn chân chính, chú trọng nền tảng xây dựng văn hóa kinh doanh. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp để an lòng doanh nhân, doanh nghiệp cống hiến hết mình cho sự phát triển chung của địa phương và xã hội.
Thứ ba, luôn lắng nghe các để xuất và lấy ý kiến tham vấn của doanh nghiệp trong các chương trình chính sách tại mọi khâu và các giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách. Các buổi đối thoại và sau đối thoại cần có sự đánh giá và phản hồi đánh giá xem hiệu quả thực thi đi vào cuộc sống và tác động đến sự thay đổi có ý nghĩa thực sự tích cực trên thực tế.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...