Trước khi chính thức bước vào năm học mới, trong lễ tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 do Bộ GD-ĐT tổ chức diễn ra sáng nay (19.8), tại đầu cầu UBND TP.HCM, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có những đề xuất với Bộ một số nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ giáo viên và quy định về diện tích đất tối thiểu về trường, lớp đối với học sinh.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Chương trình GDPT 2018 đã được TP.HCM triển khai một cách nghiêm túc, đúng quy trình, trình tự chuẩn bị sẵn sàng cho việc hoàn tất lộ trình đổi mới ở tất cả các cấp học trong năm học 2024 - 2025. Đặc biệt, chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn của TP đều được nâng lên. Với việc được công nhận là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, TP tiếp tục đề ra các chương trình hành động phát triển để trở thành nơi mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc gia có thể tiếp tục học hỏi. Tạo ra một môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số.
Ngành giáo dục TP đã xây dựng và ban hành bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, có 100% cơ sở giáo dục thực hiện với mong muốn xây dựng, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu thương, tôn trọng, an toàn, chia sẻ và thấu hiểu.
Đề xuất chính sách cho giáo viên ở địa bàn có khu công nghiệp
Cũng theo người đại diện cho chính quyền TP, bên cạnh những thuận lợi trong năm học vừa qua, do một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên khi triển khai gặp phải những bất cập, khó khăn.
Trong đó, chẳng hạn theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, tại khoản 1, Điều 10, Chương IV quy định đối tượng hưởng chính sách là giáo viên mầm non đang làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định ở địa bàn có khu công nghiệp bảo đảm điều kiện trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Theo bà Thúy, tỷ lệ 30% trẻ đặt ra tại nghị định chưa sát với thực tiễn của TP do đó đối tượng được hưởng chính sách chưa cao.
Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đẩy mạnh cơ chế thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập… giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong đơn vị sự nghiệp công lập (tại khoản 1, Điều 3). Tuy nhiên, nguồn ngân sách nhà nước không cấp chi trả lương cho đội ngũ nhân viên hợp đồng do đó các cơ sở giáo dục mầm non công lập gặp khó khăn do đơn vị chưa cân đối được nguồn ngân sách dẫn đến thiếu kinh phí chi trả cho đội ngũ nhân viên hợp đồng, thu nhập của đội ngũ không cao, khó khăn trong việc tuyển dụng, chưa thu hút được người lao động đến làm việc.
Đề xuất về chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên nước ngoài
Đồng thời TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xem xét và điều chỉnh Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31.12.2020 về ban hành chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ em mẫu giáo. Xem xét điều kiện về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mầm non đối với giáo viên người nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên bản ngữ, giáo viên người nước ngoài tham gia tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.
Kiến nghị tăng tỷ lệ học sinh Việt Nam học chương trình nước ngoài
Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ điều chỉnh bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP. Bổ sung đối tượng liên kết giáo dục: "Cơ sở giáo dục mầm non công lập và cơ sở giáo dục phổ thông công lập" vào Điều 6; Tăng thời hạn liên kết giáo dục (5 năm) tại Điều 11 phù hợp với quy mô tổ chức của nhà trường (ví dụ như: 12 năm đối với trường TH, THCS, THPT hoặc 7 năm đối với trường TH, THCS); Điều chỉnh Điều 39 thành: "Số học sinh Việt Nam học chương trình nước ngoài có thể cao hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục" để tăng cơ hội học sinh Việt Nam được hưởng nền giáo dục chất lượng quốc tế tại Việt Nam.
Ngoài ra, TP.HCM là thành phố đông dân, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trong đó có các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực GD-ĐT lớn, vị trí việc làm tại bộ phận một cửa chịu nhiều áp lực công việc, tuy nhiên chưa có hướng dẫn về việc thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ cho công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu đề xuất chế độ, chính sách bồi dưỡng cho người làm việc tại bộ phận một cửa nhằm kịp thời động viên, khuyến khích, góp phần đưa hoạt động ngày càng hiệu quả, nâng hơn nữa chất lượng phục vụ.
Thành phố vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc khi thực hiện lập chủ trương đầu tư các dự án trường học theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT, kiến nghị Bộ nghiên cứu điều chỉnh quy định về diện tích đất bình quân tối thiểu cho mỗi học sinh tại Thông tư số 13 nhằm phù hợp đặc thù riêng của TP có dân số đông, quỹ đất hạn hẹp đặc biệt là các khu vực trong nội thành để thực hiện đầu tư tăng thêm phòng học và các phòng chức năng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.