Bộ GD-ĐT "ghi nhận" Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân
Để chuẩn bị cho hội nghị, Bộ GD-ĐT đã soạn báo cáo gồm 74 trang, trong đó tổng kết từng mảng hoạt động với cấu trúc hai phần rõ ràng, gồm thành tích (kết quả đạt được) và tồn tại, hạn chế.
Trong phần báo cáo về thành tích khối giáo dục ĐH (trang 46), báo cáo của Bộ GD-ĐT viết: "Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) công bố ngày 5.6.2024, Việt Nam có 6 cơ sở giáo dục đại học lọt vào Bảng xếp hạng các đại học trên thế giới năm 2025 (QS WUR 2025), tăng bậc so với năm trước; theo kết quả xếp hạng của Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố ngày 1.5.2024, Việt Nam có 6 trường lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á tốt nhất năm 2024".
Theo chú giải của Bộ GD-ĐT, 6 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng QS WUR 2025 là Trường ĐH Duy Tân (vị trí 495, năm trước vị trí 514), Trường ĐH Tôn Đức Thắng (thuộc nhóm 711 - 720, năm trước thuộc nhóm 721 - 730), ĐH Quốc gia Hà Nội (thuộc nhóm 851 - 900, năm trước thuộc nhóm 951 - 1.000), ĐH Quốc gia TP.HCM (thuộc nhóm 901 - 950, năm trước thuộc nhóm 951 - 1.000), ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Huế (cùng thuộc nhóm 1.201-1.400).
Còn 6 trường lọt vào bảng xếp hạng đại học châu Á tốt nhất năm 2024 của THE cũng là 6 trường đã nhắc đến ở trên, nhưng thứ tự hơi khác ở vị trí số 1 và 2 (của Việt Nam): Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường ĐH Duy Tân; ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM; ĐH Bách khoa Hà Nội; ĐH Huế.
Thành tích thông qua việc "đếm bài"
Báo cáo tóm tắt tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: "…số lượng bài báo quốc tế của các nhà khoa học trong nước ngày càng tăng, từng bước khẳng định vị thế giáo dục đại học của Việt Nam trên bản đồ giáo dục quốc tế".
Để minh họa cho nhận định này, bản trình chiếu báo cáo tóm tắt của Thứ trưởng Thưởng hiển thị thông tin công bố quốc tế mà các nhà khoa học Việt Nam ở 67 đơn vị có nhiều công bố quốc tế nhất công bố trong các năm qua. Theo đó, năm 2023 cả nước có 19.490 bài báo quốc tế, riêng 67 cơ sở giáo dục ĐH công bố nhiều nhất có 16.359 bài, chiếm 83,94% của cả nước. Tính đến tháng 7 năm nay, cả nước có 12.567 bài, riêng 67 cơ sở giáo dục ĐH công bố nhiều nhất có 10.613 bài, chiếm 84,45% của cả nước.
Còn trong báo cáo bản đầy đủ của Bộ GD-ĐT, trang 45 và 46 nhấn mạnh: "Đặc biệt, theo công bố tại website research.com (cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới) vừa công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc nhất năm 2024, có 19 nhà khoa học là người Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng ở 10 lĩnh vực, tăng hơn so với năm học trước (website research.com đã xem xét dữ liệu của gần 170.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và phân chia thành 26 lĩnh vực để xếp hạng).
Qua đó, đã phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam, những lĩnh vực mà Việt Nam được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới. Đồng thời, cũng cho thấy cần đầu tư hơn nữa cho các nhà khoa học, cho các nhóm nghiên cứu mạnh, cho các trường đại học mũi nhọn trọng điểm, để khoa học công nghệ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và trình độ quốc tế, hội nhập mạnh mẽ hơn với khoa học của thế giới".
Theo báo cáo này, 10 lĩnh vực mà 19 nhà khoa học Việt Nam được xếp hạng "thành tích xuất sắc" gồm: quản lý và kinh doanh, hóa học, khoa học máy tính, kinh tế và tài chính, kỹ thuật và công nghệ, khoa học môi trường, khoa học vật liệu, toán học, cơ khí và kỹ thuật hàng không vũ trụ, y học, khoa học xã hội và nhân văn.