Đây là sự lãng phí rất lớn nguồn nhân lực xã hội, thời gian, tiền của cũng như đánh mất cơ hội lập thân lập nghiệp của sinh viên (dù rằng sinh viên ngành sư phạm hiện được miễn học phí).
Tốt nghiệp sư phạm đi học nấu ăn, ở nhà dạy kèm...
Tại Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) nơi tôi đang giảng dạy, hàng năm, vào đầu tháng hai, trường đón tiếp những sinh viên của Trường ĐH Khánh Hòa về thực tập giảng dạy. Trong số những sinh viên háo hức đến thực tập ấy không biết có mấy em tiếp tục thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng, trở thành nhà giáo sau khi tốt nghiệp ra trường?
Thầy N.V.H, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Diên Thạnh, Diên Khánh, Khánh Hòa có con tốt nghiệp ngành sư phạm toán, tâm sự: "Bây giờ tìm được chỗ dạy hợp đồng đã vô cùng khó như mò kim đáy biển, đừng nói đến chuyện thi viên chức nên đành ở nhà dạy kèm cho vui".
Buồn hơn thầy H., một người bạn của tôi có con kết thúc đợt thực tập, thi tốt nghiệp ra trường rơi vào tình cảnh trớ trêu khi đi đến trường nào xin dạy hợp đồng hiệu trưởng đều nói một câu giống nhau: "Xin lỗi, trường không có nhu cầu". Vậy là tân cử nhân sư phạm đành gác lại giấc mơ làm thầy, đi vào TP.HCM học nghề nấu ăn để còn có hy vọng xin làm thợ nấu bếp ở quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Khi được hỏi tại sao không động viên con đi dạy kèm để chờ cơ hội, bạn tôi xót xa nói: "Con học sư phạm lịch sử nên không ai mời dạy".
Đề xuất giải pháp tránh tình trạng "lệch pha" giữa cung và cầu
Đây là hai trường hợp mà tôi biết được, còn vô số trường hợp khác nữa, sinh viên học ngành sư phạm xong là các em đi làm việc trái với chuyên môn. Có em đi phụ quán bán cà phê, giữ xe, bán hàng qua mạng… Lãnh đạo ngành giáo dục có biết được thực trạng đó không?
Để khắc phục tình trạng nêu trên, tuyển sinh ngành sư phạm cần có sự thay đổi để đảm bảo chất lượng. Cụ thể, các trường sư phạm cần được tuyển sinh như các trường quân đội, công an, nhu cầu cần bao nhiêu thì tuyển bấy nhiêu. Sinh viên ra trường được phân công công việc, tránh tình trạng tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nhưng vẫn không có việc làm.
Có thể phân cấp cho nhà trường (hiệu trưởng) được quyền tuyển chọn giáo viên theo định biên viên chức của trường đúng chỉ tiêu được giao; để hiệu trưởng được linh động, kịp thời tuyển dụng giáo viên.