Những hành vi bắt nạt về mặt thể chất, đe dọa làm tổn hại đến tinh thần, quấy rối tình dục và xúc phạm đến danh dự của bạn học không chỉ diễn ra bên trong trường học mà còn ở những nơi công cộng và bao gồm cả bạo lực ngôn từ trên không gian mạng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ 3 yếu tố: kẻ bắt nạt, sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, và sự thờ ơ của xã hội.
Cụ thể hơn, những kẻ bắt nạt thường là những người không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực của bản thân, dễ bị chi phối bởi cái tôi của cá nhân dẫn tới những suy nghĩ, hành vi lệch lạc so với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Thêm vào đó, quá khứ từng bị bạo hành cũng khiến cho một số người trở nên cực đoan, tàn nhẫn khi đối xử với người khác. Ngoài ra, sự phát triển của các công nghệ thông tin cũng vô tình tiếp tay cho những hành vi bạo lực.
Từ những mâu thuẫn nhỏ trên không gian mạng cũng có thể dẫn tới những cãi vã, xô xát ngoài đời thực. Nhưng đó chỉ là yếu tố phụ dẫn tới hành vi bắt nạt bạn học. Sự thờ ơ, vô tâm của những người bạn học xung quanh, đã tiếp tay, làm méo mó đi những giá trị tốt đẹp trong môi trường học đường. Cơn tức giận của chúng ta có thể dịu đi nếu nhận được lời khuyên, sự an ủi của bạn bè. Các nạn nhân sẽ ít chịu tổn thương hơn nếu mọi người xung quanh dám bảo vệ họ, và bạn bè sẽ không phải hơn thua, ganh tị với nhau vì "hội chứng con vịt" (những người che giấu đi những căng thẳng, lo lắng bên trong, luôn cố gắng xuất hiện với hình ảnh thành công, bình thản ở bên ngoài).
Nhưng đó chỉ là "nếu như", bởi thực tế đã có rất nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra như là lời thách thức của kẻ bắt nạt đến với nạn nhân. Người chứng kiến thì quay phim lại, hò reo cổ vũ. Nhiều em học sinh thấy bạn bè mình đánh nhau thì lấy điện thoại quay lại cảnh hành hung mà không báo cho thầy cô. "Hỗ trợ" hành vi bạo lực, cổ vũ để tăng phần náo nhiệt như vậy, đúng hay sai? Những phút giây thỏa mãn sự thích chí được đánh đổi bằng những nỗi đau của các nạn nhân, sự thương xót từ gia đình và hình phạt kỷ luật dành cho kẻ bắt nạt. Sau cùng, cả người bị hại lẫn kẻ phạm tội đều phải chịu tổn thương.
Vì vậy, để hạn chế vấn nạn bắt nạt học đường, bạo lực học đường, chúng ta cần nhờ tới sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường và xã hội. Bước vào giai đoạn thanh thiếu niên, tâm sinh lý của học sinh dần thay đổi, có những bạn trưởng thành hơn, chín chắn hơn nhưng cũng có những bạn trở nên bốc đồng, nóng nảy hơn. Việc tìm ra những giải pháp phù hợp để học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của bản thân đối với gia đình và xã hội là rất quan trọng.
Cha mẹ nên tâm sự, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống cùng con cái, giúp con từng bước hoàn thiện những kỹ năng sống và ứng xử của mình. Nhà trường nên quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và giàu tính xây dựng. Ngoài ra, nhà trường có thể tổ chức những buổi tư vấn tâm lý học đường để học sinh có cơ hội trải lòng về những thách thức mà mình đang mắc phải, từ đó đưa ra những lời khuyên phù hợp cho từng cá nhân. Bạn bè giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ hơn, và để áp lực đồng trang lứa không làm tình bạn xa cách.
Bạo lực học đường không chỉ gây trở ngại cho sự phát triển của nạn nhân, người đi bắt nạt, mà còn làm xấu đi hình ảnh hồn nhiên, vui vẻ của những cô cậu học trò. Để thay đổi thực trạng này, bên cạnh những giải pháp của gia đình, nhà trường, xã hội, thì sự đổi thay nhận thức của chính những học sinh không thể không cần.