Ông Bùi Quang Ngọc, Giám đốc cấp cao Công ty Marvell Việt Nam, cho biết quá trình thiết kế và sản xuất sản phẩm vi mạch trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Trong đó, các kỹ sư ở Việt Nam đang tham gia vào hầu hết những giai đoạn này.
Kỹ sư Việt Nam được đánh giá cao về sự sáng tạo, cần cù, trung thực và cởi mở trong quá trình làm việc. Các kỹ sư vi mạch ở Việt Nam cũng đang dần tham gia vào những giai đoạn quan trọng nhất bao gồm thiết kế hệ thống, thiết kế các vi mạch phức tạp…
Thời gian tới, Công ty Marvell Việt Nam sẽ tích cực hợp tác với các đơn vị thuộc ĐH Huế đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn.
Ông Nguyễn Thế Hiển, Tổng giám đốc Công ty DreamBig Semiconductor, cũng cho rằng Việt Nam hiện có khoảng hơn 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip, với tổng số lao động hơn 5.000 kỹ sư và đang có xu hướng tăng lên theo thời gian.
Việc phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử và lập trình nhúng sẽ giúp nhân lực Việt Nam trở nên có tầm vóc hơn và dần tham gia sâu hơn trong các công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn.
Đặc biệt, sau tọa đàm, Công ty DreamBig Semiconductor mở chương trình đào tạo về kiến trúc, thiết kế và kiểm tra IP. Chương trình sẽ tuyển 30-40 sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại ĐH Huế để đào tạo, nhằm sớm cung ứng nhân lực cho công ty cũng như các đơn vị có nhu cầu trên địa bàn Thừa Thiên-Huế và trong cả nước.
Buổi tọa đàm được đánh giá là cầu nối hiệu quả giữa sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn, đồng thời tìm hiểu những cơ hội việc làm tương lai.
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Quang Lịch, Trưởng khoa Kỹ thuật và công nghệ, ĐH Huế, cũng chia sẻ các thông tin về đào tạo nguồn nhân lực liên quan đến lĩnh vực vi mạch và bán dẫn tại ĐH Huế.
Cụ thể, hiện nay hằng năm ĐH Huế đào tạo gần 300 sinh viên có liên quan đến lĩnh vực công nghệ vi mạch và bán dẫn như các ngành kỹ thuật điện-điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, điện tử viễn thông, cơ điện tử… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay ở Việt Nam chưa có những chương trình đào tạo chuyên sâu cho công nghệ vi mạch và bán dẫn. Do đó, nguồn nhân lực để phục vụ cho ngành công nghiệp này vẫn còn là thách thức cho các đơn vị đào tạo.
Năm 2024, Giám đốc ĐH Huế đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với doanh nghiệp mở các chuyên ngành chuyên sâu đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch và bán dẫn trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất dùng chung của ĐH Huế. Đến nay, ĐH Huế có 2 cơ sở mở ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến bán dẫn: công nghệ thiết kế vi mạch tại khoa Kỹ thuật và công nghệ; và công nghệ bán dẫn tại Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế.