Theo đó, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết đã nhận được báo cáo về việc cập nhật tính năng mới trong bài thi IELTS của các đơn vị nêu trên và có ý kiến trả lời.
Cụ thể, việc cập nhật tính năng thi lại một kỹ năng của bài thi tiếng Anh IELTS là do Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục quốc tế IDP tự chủ triển khai. Cục Quản lý chất lượng ghi nhận việc triển khai tính năng này tại Việt Nam.
Văn bản của Cục Quản lý chất lượng cũng đề nghị Hội đồng Anh Việt Nam và IDP Việt Nam thông báo công khai, đầy đủ về tính năng mới và phối hợp cấp chứng chỉ, đảm bảo điểm thi hiển thị cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) theo đề án và các quyết định đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt liên kết tổ chức thi.
Cuối năm 2022, các tổ chức sở hữu bài thi IELTS mở tính năng One Skill Retake (OSR), tạo điều kiện cho thí sinh cải thiện điểm mà không cần thi lại toàn bộ. Hiện hình thức OSR có ở khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Úc, Campuchia, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ...
Thí sinh được đăng ký thi lại một kỹ năng một lần, trong vòng 60 ngày kể từ ngày thi ban đầu, với điều kiện đã hoàn thành toàn bộ bài và nhận kết quả.
Tuy nhiên, nếu muốn đăng ký thi OSR, thí sinh cũng phải đáp ứng cả 3 yêu cầu, gồm đã thi ở một trung tâm khảo thí có cung cấp dịch vụ OSR; dự thi đủ 4 kỹ năng ở hình thức thi trên máy tính và đã nhận được kết quả chính thức; và chỉ đăng ký tính năng OSR trong vòng 60 ngày kể từ lần thi đầu tiên. Thí sinh cũng chỉ được thi lại một lần, không thể thi lại 4 lần cho 4 kỹ năng khác nhau.
IELTS là bài kiểm tra tiếng Anh quốc tế, được hơn 11.000 tổ chức trên thế giới công nhận. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh và Tổ chức giáo dục quốc tế IDP là hai đơn vị được cấp phép tổ chức bài thi này. Bài thi phổ biến nhất là IELTS Academic có lệ phí gần 4,7 triệu đồng một lượt.