Đó là trường hợp của N.T.H, sinh viên ngành thiết kế nội thất Trường ĐH Tôn Đức Thắng - trúng tuyển năm 2023, với điểm chuẩn là 28. Sau một năm học, H. cảm thấy mình không phù hợp với ngành thiết kế nội thất và có nguyện vọng chuyển sang ngành thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, ngành thiết kế đồ họa năm 2023 có điểm chuẩn là 29,5, trong khi H. chỉ được 29,45 điểm. Như vậy, H. bị thiếu 0,05 điểm nên không được chuyển ngành học.
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết về nguyên tắc, nếu điểm đầu vào không đạt điểm trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang ở cùng năm tuyển sinh thì thí sinh dự tuyển sẽ không được chuyển ngành học. Vì thế, sinh viên dù chỉ thiếu 0,1 hay 0,05 điểm cũng không đủ điều kiện chuyển ngành.
Đây là tình trạng của không ít sinh viên sau khi học được 1-2 học kỳ cảm thấy không hợp nên muốn chuyển sang ngành khác. Còn đối với sinh viên có nguyện vọng chuyển cơ sở đào tạo (từ trường này sang trường khác hoặc từ địa điểm này sang địa điểm khác), điều kiện và thủ tục cụ thể ra sao?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, thông tin trường có quy chế chuyển ngành và chuyển trường dựa trên Quy chế đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT.
“Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyên ngành và chương trình đào tạo phải hội đủ các điều kiện: không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; điểm trung bình tích lũy đạt từ mức trung bình trở lên; đạt điều kiện trúng tuyển của ngành, chuyên ngành chuyển đến trong cùng khóa tuyển sinh; ngành, chuyên ngành chuyển đến còn chỉ tiêu tiếp nhận sinh viên hoặc chưa vượt quá năng lực đào tạo và được hiệu trưởng đồng ý”, thạc sĩ Phụng chia sẻ.
Được hiệu trưởng 2 trường chấp thuận
Tương tự, về việc chuyển cơ sở đào tạo, thạc sĩ Phụng cho hay sinh viên trường khác hoàn toàn có thể chuyển đến Trường ĐH Tài chính-Marketing hoặc một trường nào đó, nếu không đang là sinh viên năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định; sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến.
Bên cạnh đó, ngành, chuyên ngành chuyển đến của trường tiếp nhận phải còn chỉ tiêu hoặc chưa vượt quá năng lực đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT và được hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến chấp thuận.
“Việc chuyển ngành hay cơ sở đào tạo, sinh viên sẽ làm đơn theo mẫu quy định. Kết quả học tập của sinh viên sẽ được bảo lưu đối với các học phần có cùng thời lượng học tập, nội dung, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra, chuẩn kiến thức khi đối sánh 2 chương trình đào tạo”, thạc sĩ Phụng cho biết thêm.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cũng khẳng định theo quy định thì sinh viên phải có điểm bằng hoặc cao hơn điểm trúng tuyển của ngành/trường mình muốn chuyển trong cùng khóa tuyển sinh và phải có tổ hợp môn phù hợp với với ngành/trường muốn chuyển. “Cho dù thiếu rất ít điểm thì cũng không đủ điều kiện”, tiến sĩ Duy nhận định.
Về thủ tục chuyển trường, theo tiến sĩ Duy, sinh viên làm đơn theo mẫu, kèm theo bản photo giấy báo trúng tuyển và bảng điểm học tập của trường đang học nộp vào trường muốn chuyển đến. Khi trường mới đồng ý tiếp nhận, sinh viên mới có thể mang đơn về trường cũ để được rút hồ sơ.