Hiện nay, mức phụ cấp trực của y bác sĩ đang được thực hiện theo Nghị định 56 và Quyết định 73 của Chính phủ ban hành năm 2011.
Cụ thể, người lao động thường trực 24/24 giờ được hưởng mức phụ cấp là 115.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt; 90.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng 2; 65.000 đồng/người/phiên trực đối với các bệnh viện còn lại và các cơ sở khác tương đương; 25.000 đồng/người/phiên trực đối với trạm y tế xã, trạm y tế quân dân y, bệnh xá quân dân y.
Người lao động thường trực theo ca 12/24 giờ được hưởng mức bằng 0,5 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ; Người lao động thường trực theo ca 16/24 giờ được hưởng mức bằng 0,75 lần mức phụ cấp thường trực 24/24 giờ.
Nếu thường trực tại khu vực hồi sức cấp cứu, khu vực chăm sóc đặc biệt thì mức phụ cấp thường trực của người lao động được tính bằng 1,5 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày nghỉ hằng tuần thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,3 lần mức quy định trên; thường trực vào ngày lễ, ngày tết thì mức phụ cấp thường trực được tính bằng 1,8 lần mức quy định trên.
Bên cạnh đó, bác sĩ, nhân viên y tế thường trực 24/24 giờ được hỗ trợ tiền ăn là 15.000 đồng/người/phiên trực. Đồng thời, khi thường trực 24/24 giờ vào ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần người lao động được nghỉ bù 1 ngày; vào các ngày lễ, tết được nghỉ bù 2 ngày được hưởng nguyên lương
Trường hợp thường trực theo ca 12/24 giờ hoặc ca 16/24 giờ được nghỉ ít nhất 12 giờ tiếp theo được hưởng nguyên lương.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cho hay bộ này đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56 và Quyết định 73.
Lý do vì các mức phụ cấp gồm phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng được áp dụng tại Quyết định số 73 là quá thấp và không còn phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống hiện nay.
Theo Bộ Y tế, căn cứ vào mức lương cơ sở 2.340.000 đồng (từ ngày 1.7.2024), tăng 182% so với lương cơ sở 830.000 đồng (từ ngày 1.5.2011), Bộ Y tế sẽ đưa ra mức phụ cấp mới.
Cụ thể là tăng tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tăng mức tiền trực và tiền ăn cho cán bộ y tế phù hợp với chỉ số trượt giá và giá tiêu dùng hiện nay. Bên cạnh đó, sẽ áp dụng quy định thời giờ làm việc, làm thêm và thanh toán chế độ làm thêm giờ đối với thời gian trực 24/24 giờ của viên chức, người lao động theo bộ luật Lao động.
Đồng thời Bộ Y tế sẽ áp dụng chế độ phụ cấp đặc thù đối với các đối tượng hợp đồng lao động đã được xếp lương theo Nghị định số 204 tháng 12.2004 bao gồm bảo vệ, lái xe, hộ lý, hợp đồng chuyên môn trong thời gian chờ thi tuyển viên chức.
Đề xuất sinh viên ngành y được hỗ trợ học phí như sinh viên sư phạm?
Nghị định 81 của Chính phủ quy định học một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB-XH quy định sẽ được giảm 70% học phí.
Theo đó tại Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng có những ngành khối sức khỏe gồm y sĩ đa khoa , dược, điều dưỡng, hộ sinh kỹ thuật xét nghiệm y học.
Ngày 25.7 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 927 về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2025. Kế hoạch này có nội dung đề xuất Chính phủ quan tâm chỉ đạo, ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực ngành y tế.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, phê duyệt một số chính sách đãi ngộ, thu hút tương đương với ngành sư phạm. Cụ thể là đề xuất sinh viên y, dược sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học của cơ sở đào tạo nơi theo học; hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Được biết, hiện nay sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Nếu đề xuất này được thông qua, sinh viên y dược ngoài việc được hỗ trợ học phí sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng.