Chương trình được phát trực tuyến tại các nền tảng: website thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh của Báo Thanh Niên trên YouTube và TikTok.
Khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm tuy không sôi động và phát triển mạnh mẽ như các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ nhưng luôn đóng một vai trò quan trọng và không thể thiếu nếu xã hội muốn phát triển bền vững.
Tại chương trình, đại diện các trường ĐH sẽ thông tin về nhu cầu thí sinh học các ngành xã hội nhân văn và sư phạm hiện nay ra sao, trong đó có những ngành nào còn ít người quan tâm và ngành nào đang thu hút; chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh có khác với các nhóm ngành kinh tế, công nghệ...?
Bên cạnh đó, khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm có đặc thù riêng, vậy người học cần những tố chất nào để có thể học tốt những ngành học này?
Ngoài ra, hiện nay, nhiều trường ĐH công bố danh sách trúng tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ và tiếp tục nhận hồ sơ, trong đó có hồ sơ xét điểm thi đánh giá năng lực… Trong thời điểm này, cùng với việc tập trung ôn luyện cho các kỳ thi, việc lựa chọn ngành học, trường học phù hợp để xét tuyển sớm cũng rất được quan tâm.
Đại diện các trường cũng sẽ chia sẻ thông tin về cơ hội thực tập cũng như việc làm sau khi tốt nghiệp của khối ngành xã hội nhân văn và sư phạm.
Trong khi chương trình diễn ra, phụ huynh và thí sinh có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên của Báo Thanh Niên để được giải đáp.
Tham gia chương trình có các khách mời:
- NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM
NCS-Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, khối ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạm là trụ cột trong bất kỳ hệ thống đào tạo của quốc gia nào. Năm 2023, Bộ GD-ĐT thống kê có 25 lĩnh vực có số lượng người theo học nhiều nhất, trong đó các ngành nhân văn ở vị trí 4, khoa học xã hội hành vi vị trí số 6 và giáo dục sư phạm vị trí số 8. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội và đóng góp của nhóm ngành này trong hệ thống giáo dục. Khoa học xã hội nhân văn giúp chúng ta giải thích và hiểu về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, đưa ra các quyết định liên quan đến hành chính và quản trị và hiểu về con người,văn hóa, xã hội của một quốc gia, tiệm cận, gia nhập để trở thành công dân toàn cầu. Trường ĐH Mở TP.HCM tuyển 5.300 chỉ tiêu năm 2024. Ngành khoa học xã hội tại trường có nhóm ngành về kinh tế, quản trị kinh doanh, nhóm ngành về luật, ngôn ngữ xã hội học, tâm lý học, Đông Nam Á học...
Xã hội học và tâm lý học: Ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao hơn?
Bạn đọc thắc mắc: “Trong hai ngành xã hội học và tâm lý học thì ngành nào có nhu cầu tuyển dụng cao hơn? Hai ngành này có điểm chung gì hay không và điểm chuẩn dự kiến năm nay theo các phương thức là bao nhiêu?”.
Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân tư vấn, mỗi ngành học có lý thuyết riêng và đối tượng riêng, cả 2 ngành đều có thế mạnh. Điểm chung là đều tập trung vào con người và các vấn đề xã hội, cùng giải thích hành động của cá nhân trong bối cảnh xã hội rộng lớn… Ngành xã hội học các bạn làm liên quan đến nhân sự, tổ chức, doanh nghiệp, dự án phát triển. Ngành tâm lý học cũng có nhiều công việc khác nhau như tham vấn tâm lý trong trường học, bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp... Theo thạc sĩ Quân, khi chọn ngành học, các bạn đừng quá lo lắng ngành nào hơn ngành nào mà cần xem thế mạnh của mình là gì. Tại trường ĐH Mở TP.HCM, ngành tâm lý học điểm trúng tuyển học bạ là 26,75 điểm, điểm thi tốt nghiệp THPT là 24,5 điểm, ngành xã hội học điểm chuẩn học bạ là 23,5 điểm, điểm thi là 24,1 điểm.
- Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang, chuyên gia tâm lý, giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang cho hay nhà trường rất quan tâm nhóm ngành này bên cạnh nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật. Ngành ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Trung Quốc học... đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Bên cạnh đó là ngành tâm lý học. Năm nay trường mở thêm 2 ngành mới thuộc nhóm này là truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng.
- Tiến sĩ Tô Minh Tùng, Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Bạn đọc đặt câu hỏi: “Định hướng dạy ngoại ngữ thì nên chọn ngành sư phạm hay ngoại ngữ?". Tiến sĩ Tô Minh Tùng cho biết: “Nếu các bạn chọn học sư phạm thì sẽ được miễn học phí và nhận thêm sinh hoạt phí. Một xã hội không biên giới, giao lưu quốc tế thì ngôn ngữ là một thế mạnh. Nếu chọn ngành ngôn ngữ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau, các bạn có thể đi dạy, làm hướng dẫn viên du lịch, phiên dịch, làm việc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, giao lưu văn hóa... Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đào tạo 4 ngành ngôn ngữ Anh, Nhật, Hàn, Trung định hướng về du lịch hoặc biên phiên dịch...".