Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage Facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
ÍT SÔI ĐỘNG NHƯNG VẪN THU HÚT
Chia sẻ về vai trò quan trọng của nhóm ngành xã hội nhân văn và sư phạm, thạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó trưởng bộ môn Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: "Khối ngành khoa học xã hội nhân văn và sư phạm dù ít sôi động hơn một số nhóm ngành khác, nhưng luôn là trụ cột trong bất kỳ hệ thống đào tạo của quốc gia nào. Năm 2023, Bộ GD-ĐT thống kê có 25 lĩnh vực có số lượng người theo học nhiều nhất, trong đó các ngành nhân văn ở vị trí thứ 4, khoa học xã hội hành vi vị trí số 6 và giáo dục sư phạm vị trí số 8. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội cũng như đóng góp không nhỏ của nhóm ngành này trong hệ thống giáo dục".
Theo thạc sĩ Quân, khoa học xã hội nhân văn giúp con người giải thích và hiểu về các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, có thể ra các quyết định liên quan đến hành chính và quản trị. Ngoài ra, những ngành học này cũng giúp các quốc gia hiểu biết, tiệm cận nhau hơn, xã hội trở nên văn minh hơn và nhân văn hơn.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hường, Phó hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ và xã hội nhân văn thuộc Trường ĐH Duy Tân, cũng cho rằng các giá trị về văn hóa, giáo dục, sự thấu cảm sẽ nuôi dưỡng con người và xã hội phát triển một cách bền vững và cân bằng. Đó cũng chính là lý do mà máy móc không thể thay thế được con người vì máy móc không thể có cảm xúc và sự thấu cảm.
Chính vì nhóm ngành này có vai trò và đặc trưng riêng, chẳng hạn phải làm việc trực tiếp giữa con người với con người để thấu hiểu và giải quyết các vấn đề, nên thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang, chuyên gia tâm lý, giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý thí sinh khi lựa chọn cần có kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng linh hoạt để đạt được hiệu quả trong các mối quan hệ xã hội, biết xử lý tình huống phức tạp do con người tạo ra...
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM cho rằng thí sinh cần có sự yêu thích đam mê tìm tòi khám phá các mối quan hệ xã hội. "Ngoài kiến thức chuyên môn, các em cần học tập trải nghiệm để tăng kỹ năng hội nhập, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin... vì trong thời đại này, dù học các ngành về xã hội nhân văn thì các em cũng phải giỏi ngoại ngữ và công nghệ", thạc sĩ Nguyên chia sẻ.
NHIỀU NGÀNH THU HÚT THÍ SINH
Theo tiến sĩ Hoàng Thị Hường, tại Trường ĐH Duy Tân, năm 2023 số lượng sinh viên theo học khối ngành xã hội nhân văn chiếm tỷ lệ cao nhất chứ không phải kinh tế hay công nghệ. Trong đó, các ngành như quan hệ công chúng truyền thông đa phương tiện, văn học, tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật... đang rất thu hút thí sinh.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho hay tại trường, ngành tâm lý học, tổ chức sự kiện, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng được thí sinh lựa chọn nhiều. "Những ngành này nghiên cứu con người và đời sống, gắn với sự phát triển của xã hội nên nhân lực đang rất cần. Do trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, máy móc, công nghệ phát triển thì con người càng cần chú trọng tới các giá trị nhân văn và phát triển mối quan hệ giữa con người, từ đó thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển", thạc sĩ Trị nhìn nhận.
Tương tự, tại các trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Mở TP.HCM, Kinh tế-Tài chính TP.HCM, Quốc tế Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng, những ngành khoa học xã hội nhân văn được xem là "hot" nhất và đang thu hút thí sinh là tâm lý học; quan hệ công chúng; Đông phương học; truyền thông đa phương tiện; ngôn ngữ Anh, Hàn, Nhật, Trung; xã hội học...
NHU CẦU NHÂN LỰC TĂNG CAO
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho hay nhu cầu nhân lực nhóm này ngày càng tăng cao do các lĩnh vực khác đều cần đến kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học xã hội nhân văn. Ví dụ người làm kinh doanh thương mại không chỉ giỏi tính toán mà cần kiến thức về tâm lý, xã hội, quản trị, quản lý con người... Hay làm du lịch cần có am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa, các mối quan hệ xã hội...
Tại chương trình, có nhiều thí sinh quan tâm tới ngành "hot" tâm lý học và muốn biết ngành này học những gì và cơ hội việc làm ra sao. Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết ngành tâm lý học nghiên cứu về con người, về thế giới nội tâm của con người để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong tâm lý. Hiện các trường đào tạo rất nhiều kiến thức về tâm lý học phát triển, tâm lý học giới tính, tâm lý học hành vi, tâm lý học truyền thông...
"Có rất nhiều lĩnh vực ứng dụng tâm lý học để làm việc. Các em muốn học và làm việc giỏi ở ngành này cần có khả năng lắng nghe và thấu cảm, nắm bắt tâm lý, phân tích đánh giá để đưa ra định hướng và giải quyết vấn đề tâm lý cho người khác. Tốt nghiệp, các em có nhiều cơ hội việc làm như trở thành chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, chuyên gia tâm lý tại bệnh viên, làm về nhân sự, kinh doanh, bán hàng, phân tích nghiên cứu thị trường...", thạc sĩ Nguyên cho hay.
Trong khi đó, một thí sinh đặt câu hỏi về ngành học mới: "Em mới nghe đến tên ngành công nghệ giáo dục mà không biết ngành này đào tạo những gì, có phải ra trường sẽ làm việc trong môi trường sư phạm hay không? Ngành mới mẻ như vậy thì việc làm sẽ ra sao? Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang, giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin đây là ngành mới và cũng được đánh giá là rất "hot".
"Ngành này trang bị kiến thức về việc ứng dụng công nghệ vào trong giáo dục. Chẳng hạn một trong những ứng dụng công nghệ đó có thể kể đến các phần mềm học trực tuyến. Các em sẽ được trang bị các phương pháp kết hợp giáo dục và công nghệ để tiết kiệm thời gian, hiệu quả hơn. Học xong các em có thể xây dựng các phần mềm phục vụ giáo dục, thiết kế các chương trình giảng dạy mới... Doanh nghiệp đang có nhu cầu rất lớn cho các ứng viên giỏi công nghệ mà muốn làm việc trong môi trường giáo dục", thạc sĩ Trang chia sẻ.
Cần có năng lực làm việc với con người
Để thành công trong khối ngành xã hội nhân văn, các em phải thực sự say mê với ngành nghề đã chọn, có năng lực làm việc với con người, có bầu nhiệt huyết tham gia kết nối, có óc tò mò đặt ra các câu hỏi tại sao để dẫn dắt tìm hiểu, giải thích, giải quyết vấn đề.
Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Phó trưởng bộ môn Xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM)
Cần có sự linh hoạt và kỹ năng giao tiếp tốt
Chọn ngành xã hội nhân văn, các em cần phải xác định khó khăn, thuận lợi khi làm việc với con người, cần có sự linh hoạt và kỹ năng giao tiếp tốt để có thể giải quyết được các vấn đề, tình huống phức tạp do con người tạo ra
Thạc sĩ Cao Thị Thùy Trang (giảng viên ngành tâm lý Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)
Đam mê và nỗ lực
Các em cần xác định mình có sở thích và phù hợp với ngành gì nhất. Một số tố chất cần thiết nếu các em chưa có thì trong quá trình học ĐH, các em vẫn có thể khắc phục hạn chế để theo đuổi nghề nghiệp, quan trọng là có đam mê và nỗ lực"
Tiến sĩ Tô Minh Tùng (Phó trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa quốc tế Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng)