Khung này sẽ là căn cứ thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp đối với từng cấp học, bậc học.
Theo dự thảo, khung năng lực số giúp người học phát triển các kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội trong thế giới số hóa và là nền tảng cho việc học tập suốt đời.
Đồng thời, bảo đảm tất cả người học đều có cơ hội tiếp cận và phát triển các năng lực số, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Đặc biệt, khung năng lực số sẽ làm căn cứ xây dựng chương trình, biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, các tài liệu dạy học để nâng cao năng lực số khác và xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, thi và đánh giá ở từng cấp học, trình độ đào tạo, bảo đảm sự liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.
Theo đó, khung năng lực số bao gồm 6 miền năng lực gồm: Khai thác dữ liệu và thông tin, giao tiếp và hợp tác trong môi trường số, sáng tạo nội dung số, an toàn, giải quyết vấn đề và sử dụng AI tạo sinh.
Mỗi miền năng lực lại có từ 3-5 năng lực thành phần. Chẳng hạn tại miền năng lực giao tiếp và hợp tác trong môi trường số có các năng lực thành phần như tương tác thông qua công nghệ số, tham gia vào quyền công dân, quy tắc ứng xử trên mạng…
Ở miền năng lực khai thác dữ liệu và thông tin có 3 năng lực thành phần gồm duyệt, tìm kiếm và lọc dữ liệu, thông tin số; đánh giá dữ liệu và quản lý dữ liệu. Miền năng lực sáng tạo nội dung số có năng lực thành phần như phát triển nội dung số, bản quyền và giấy phép, lập trình...
Mỗi năng lực thành phần lại có 4 trình độ cơ bản, trung cấp, nâng cao và chuyên sâu, với 8 cấp độ, từ cơ bản đến chuyên sâu.
Người học đạt cấp độ cao nhất của năng lực thành phần (bậc 8) có trình độ tương đương với chuyên gia. Chẳng hạn như năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo, ở cấp độ 8 là xây dựng được chiến lược dài hạn cho việc ứng dụng AI trong tổ chức, lãnh đạo và quản lý được các dự án ứng dụng AI có độ phức tạp cao…