Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, Fanpage facebook, kênh YouTube, Tik Tok Báo Thanh Niên.
Thời điểm này, sau khi biết điểm chuẩn, thí sinh trúng tuyển đang háo hức chuẩn bị cho việc nhập học sắp tới. Nhưng với những thí sinh chưa đạt được nguyện vọng lại yêu thích rất lo lắng và căng thẳng. Liệu trường ĐH nào xét tuyển bổ sung, cụ thể là những ngành nào và điểm nhận hồ sơ là bao nhiêu? Liệu những ngành 'hot" có còn chỉ tiêu hay không?
Đồng thời theo quy định điểm chuẩn ở đợt xét tuyển bổ sung này không được thấp hơn đợt 1, như vậy có tương đương hay tăng nhiều so với đợt 1?
Bên cạnh đó, cũng có nhiều thí sinh đã trúng tuyển nhưng là nguyện vọng 4, 5 chứ không phải nguyện vọng 1 và cảm thấy chưa thực sự hài lòng, vậy thí sinh nên xác nhận nhập học hay chờ thông tin xét tuyển bổ sung để xét tuyển vào những ngành, trường mình mong muốn?
Đại diện các trường ĐH tham gia tư vấn sẽ thông tin cụ thể và đưa ra những lời khuyên quan trọng đối với những thí sinh chưa trúng tuyển bất cứ nguyện vọng nào, cũng như những thí sinh đã trúng tuyển nhưng còn băn khoăn không biết có nên xác nhận nhập học hay không.
Ngoài ra các chuyên gia sẽ giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề xác nhận nhập học, hồ sơ, thủ tục nhập học trực tiếp, học phí, học bổng, ký túc xá…
Lưu ý khi xét tuyển bổ sung
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin ngày 17.8, trường đã công bố điểm chuẩn đợt 1, dao động 16-18 điểm dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi nhận được kết quả xét tuyển đợt 1, nhiều thí sinh đã liên hệ trường tìm hiểu thông tin đợt xét tuyển bổ sung. Ở đợt xét tuyển bổ sung, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp cũng từ 16-18 điểm tùy ngành. Với phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực điểm chuẩn từ mức 600 trở lên; phương thức xét điểm học bạ trường chỉ còn xét điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh.
''Liệu có phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung và liệu những ngành 'hot' có còn chỉ tiêu?'', một thí sinh gửi câu hỏi đến chương trình.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư giải đáp: ''Thí sinh cần theo dõi thông tin từng trường thông báo, ví dụ Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đang nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung tất cả ngành nghề dựa trên 3 phương thức. Muốn xét tuyển bổ sung, thí sinh nên tham khảo thông tin chính thức từ trang thông tin điện tử của trường, thông tin báo đài… Hiện nhiều trường đã thông báo, thời gian chốt hồ sơ muộn nhất đến thời điểm này vào cuối tháng 8''.
Có được đổi sang ngành học khác?
Thí sinh Đỗ Thu Phương, TP.Thủ Đức (TP.HCM) đặt câu hỏi: ''Em trúng tuyển vào ngành công nghệ giáo dục trường ĐH Quốc tế Sài Gòn và điểm của em cũng đủ để trúng tuyển ngành thương mại điện tử. Em đang băn khoăn không biết là học công nghệ giáo dục ra kiếm việc làm có tốt hơn thương mại điện tử hay không? Em có nên đổi sang thương mại điện tử, và nếu vậy thì phải xét tuyển lại hay là được trường cho chuyển ngành?"
Thạc sĩ Cao Quảng Tư phân tích: ''Có thể nói cả 2 ngành trên đều được đánh giá có sự phát triển trong tương lai tới. Tuy nhiên, ra trường có việc làm tốt còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có những nỗ lực tự thân từ người học. Do đó, cần suy nghĩ kỹ về việc thay đổi một ngành học mà trước đó đã có thời gian dài để tham khảo và đưa ra lựa chọn. Hãy chọn một ngành học đủ năng lực, đủ đam mê để theo đuổi nó một cách lâu dài trong tương lai''.
Thí sinh Dương Hải (TP.HCM) thắc mắc: ''Em đã trúng tuyển vào ngành trí tuệ nhân tạo Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Theo kế hoạch em đi du lịch xa đến 27.8 mới về, như vậy có bị trễ việc nhập học hay không? Em có thể nhờ người thân đến làm thủ tục nhập học và đóng học phí?''.
Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khuyên: ''Với thí sinh đã trúng tuyển vào trường cần lưu ý thời gian xác nhận nhập học sẽ kéo dài đến 17 giờ ngày 27.8. Thí sinh có thể đến trực tiếp trường để làm thủ tục nhập học, trong trường hợp không đặng đừng có thể nhờ người nhà đến làm thay và những gì còn thiếu sẽ bổ sung sau. Tuy nhiên, có những việc người khác không thể làm thay cho tân sinh viên, ví dụ chụp hình làm thẻ sinh viên. Do đó, tân sinh viên nên trực tiếp đến trường để được thông tin, hướng dẫn chi tiết hơn. Hồ sơ nhập học gồm các giấy tờ cá nhân, giấy khám sức khỏe, lý lịch sinh viên…''.
Có thí sinh băn khoăn: ''Đậu nguyện vọng 4, 5 nghĩa là những ngành học đó chưa phải là ngành yêu thích số 1, vậy thí sinh có nên theo học?''.
Ông Vũ Quang Huy cho lời khuyên: ''Trường hợp này, thí sinh cần suy nghĩ kỹ. Không nên trông chờ quá nhiều vào xét tuyển bổ sung vì nhiều trường không còn xét tuyển bổ sung, có trường xét nhưng không nhiều chỉ tiêu trong khi điểm chuẩn phải từ mức ở đợt 1 trở lên''.