Nhưng điều chung nhất làm chúng tôi gần nhau, hiểu và quý nhau đó là mong muốn cho đất nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sớm giàu lên, người dân ấm no hạnh phúc và trình độ văn hóa ngày một nâng cao.
Điều này đã được phát huy khi chúng tôi cùng tham gia Ban chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long (1983 - 1990). GS-TS Võ Tòng Xuân, PGS Hồ Chín, các GS Trần Kim Thạch, Phùng Trung Ngân, nhiều nhà khoa học trẻ và sinh viên các viện, trường đại học vào cuộc. Ý tưởng bao trùm là từ những yếu tố địa chất địa mạo, thổ nhưỡng, thủy văn, sinh khí hậu và các yếu tố kinh tế xã hội tổng hợp lại khai thác tài nguyên đồng bằng theo sinh thái. Báo cáo tổng hợp của chương trình vì vậy mang tên Đồng bằng sông Cửu Long, Tài nguyên - Môi trường - Phát triển.
Trong các kỷ niệm còn có chuyến đi sang Mỹ vào những năm khó khăn nhất trong quan hệ giữa hai nước. Tháng 11 năm 1981, sau đoàn đầu tiên của GS Nguyễn Văn Hiệu (năm 1980), GS Xuân và tôi được mời sang trao đổi với các nhà khoa học Mỹ. Ngành nghề khác nhau, tôi về toán cơ tin học, Xuân về nông nghiệp, chúng tôi đi theo hai tuyến khác nhau, vài ba hôm mới gặp lại nhau để đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Đó là ngoài nội dung khoa học, thể hiện quyết tâm của các nhà khoa học Việt Nam xây dựng đất nước, và dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là điều đúng đắn cần làm.
Sau chuyến đi, đồng chí Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy đã gọi chúng tôi đến thăm hỏi về kết quả chuyến công tác, dư luận Mỹ nói chung, trong giới khoa học, trong xã hội và trong chính giới, và về cuộc sống của người Việt mới sang… với sự quan tâm thân thiết đã động viên hai anh em chúng tôi rất nhiều.
GS-TS Võ Tòng Xuân không còn nữa nhưng Xuân vẫn sẽ mãi là một một người bạn, một đồng chí thân thiết của tôi.