Từ một sinh viên trái ngành
Bước ngoặt lớn với GS-TS Võ Tòng Xuân là năm 1969, Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) được khởi công xây dựng ngay tại trường ông đang theo học. Đến năm sau, khi đã hoàn thành, IRRI cấp một số học bổng cho các chuyên gia khuyến nông.
GS Xuân kể, thời điểm đó, các chuyên gia khuyến nông ở Việt Nam qua Philippines gặp ông, ai cũng khuyên "học làm mía đường về thì xài gì được bây giờ. Ở đây sẵn có lúa thì học đi".
"Tôi suy nghĩ vài đêm rồi lọt tọt sang viện lúa xin học lóm. Lúc đầu, lãnh đạo viện không cho và yêu cầu phải có giấy giới thiệu. Tôi kiên nhẫn xin chỉ cần học ké, không cần tiền chế độ. Bởi vì nếu tôi chỉ học về mía đường sợ khi về nước không phục vụ được gì cho nông nghiệp Việt Nam. Tôi muốn đi học về lúa giống mới để có thể đóng góp thiết thực hơn. Cũng khó khăn lắm, cuối cùng thì tôi cũng được đồng ý cho học ké".
Năm 1971, rời Viện lúa quốc tế IRRI, GS Xuân về nước, công tác tại Viện ĐH Cần Thơ (nay là Trường ĐH Cần Thơ) đem theo một số giống lúa về ứng dụng. 3 năm sau, ông lại sang Nhật Bản làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ nông học. Đến tháng 4.1975, ông quay về Việt Nam, với cảm xúc vừa lo vừa chồng chất hoài bão giúp cho bà con nông dân khôi phục sản xuất sau chiến tranh.
Ông cùng cộng sự chọn ra những giống lúa mới thích nghi nhất với đồng ruộng miền Tây lúc bấy giờ như IR30 để thay các giống lúa mùa và cả lúa IR5, IR8 kém hiệu quả. Để nhanh chóng phổ biến kỹ thuật sản xuất, GS Xuân đã mạnh dạn bàn với Đài PT-TH TP.HCM và Đài PT-TH Hậu Giang (tỉnh Hậu Giang cũ, gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang ngày nay - PV) sản xuất một chương trình phát hàng tuần về khoa học, kỹ thuật nông nghiệp nhằm giúp người dân được tiếp cận rộng rãi hơn. Thành quả là giống cao sản như IR30 nhanh chóng phủ khắp đồng bằng, mang lại năng suất gấp 2 - 3 lần lúa mùa.
"Ông bụt" của nhà nông
Dấu ấn lớn nhất của GS Xuân là năm 1977, khi sản xuất lúa ở ĐBSCL đang trên đà phát triển thì một "cơn ác mộng" của nông dân xuất hiện mang tên rầy nâu. Tình cảnh bi đát tới mức nông dân nhiều nơi phải bán cả tủ thờ, lư thờ mua thuốc xịt rầy nhưng cũng không thể nào trị được vì rầy kháng thuốc.
GS Xuân so sánh, cũng giống như Covid-19, rầy nâu cũng có nhiều biến chủng. Trước giải phóng các giống IR8, IR5 cũng bị rầy nâu thiêu rụi. Giống IR30 được ông và cộng sự nhân rộng thay thế được một thời gian cũng bị rầy tấn công, nhiều cánh đồng bị ăn rạp, héo queo, tới nỗi châm lửa là cháy rụi. Sau đó, với 5 gram giống IR36 xin viện trợ từ IRRI, chỉ trong 7 tháng, GS Xuân và cộng sự đã nhân lên được 2.000 kg lúa giống.
Giữa năm 1978, từ đề xuất của GS Xuân, Trường ĐH Cần Thơ làm một việc chưa từng có là "đóng cửa trường" 2 tháng để sinh viên ra đồng cùng nông dân sản xuất lúa, nơi nào có lúa rầy nâu thì nhân giống lúa IR36 lên.
Vậy là chẳng bao lâu cánh đồng miền Tây "tràn" lúa cao sản IR36, rầy nâu cũng không còn. Những năm sau đó, lúa mùa năng suất kém 2 - 3 tấn/ha, trồng một vụ/năm đã được thay thế gần như hoàn toàn bởi lúa cao sản 2 vụ/năm, năng suất ít nhất 9 -10 tấn/ha.
Đặc biệt, đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Chuyện khoán sản xuất và mở cửa xuất khẩu gạo
Khi miền Tây vắng bóng rầy nâu, cũng là lúc chính sách hợp tác hóa nông nghiệp, tổ chức tập đoàn sản xuất nông nghiệp bị siết chặt… Nhận thấy ruộng đất người dân xáo trộn, sản xuất nông nghiệp bị khựng lại, GS Võ Tòng Xuân đã làm một việc khiến ông phải điêu đứng sau đó.
Ông kể, khi ấy ông xuống tập đoàn số 9 ở ấp Lung Đen, xã Kế An, H.Kế Sách, Sóc Trăng làm chương trình truyền hình. Nhận thấy ở tập đoàn 9 là toàn là các hộ bà con họ hàng, ông chỉ họ cách hãy cam kết với địa phương sẽ sản xuất đủ sản lượng 3 tấn/ha để bán lúa nhiều nhất cho xã, đóng thuế đàng hoàng. Còn ở trong tập đoàn, các hộ bàn với nhau làm khoán, tức là cố gắng tập trung sản xuất làm sao năng suất hơn 3 tấn/ha. Phần dư ra người dân giữ lại. Vậy là vụ lúa đó nhiều nhà sản xuất được 5 - 6 tấn/ha, không chỉ bán được lúa nhiều nhất cho xã, đóng thuế đàng hoàng mà trong nhà nông dân lúa cũng đầy bồ. Ngược lại, những chỗ làm theo kiểu hợp tác xã đều không có lúa để bán vì "cha chung không ai khóc", trai tráng bỏ ruộng, không chịu làm.
Tháng 9.1980, trong một chương trình khoa học nông nghiệp trên truyền hình, GS Xuân đã đề cập đến mô hình khoán của tập đoàn 9 như một cách làm sáng tạo, hiệu quả. Không ngờ tối hôm đó, những người trong ban chỉ đạo chương trình hợp tác hóa nông nghiệp điện khẩn vào Nam, truy vấn việc GS Xuân cổ súy cho chủ trương khoán sản xuất.
"Họ điện tín cho tất cả các tỉnh ĐBSCL yêu cầu gần như cấm cửa Võ Tòng Xuân. Cũng may sau đó nhờ chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và cố Phó thủ tướng Vũ Đình Liệu mà tôi không sao. Nhưng 2 vị lãnh đạo đài PT-TH TP.HCM và Đài PT-TH Hậu Giang bị vạ lây vì không kiểm duyệt chương trình", GS Xuân kể hồi cuối năm 2023.
Đến đầu năm 1981, Trung ương đưa vấn đề khoán ra thảo luận và đến ngày 13.1 năm 1981, Chỉ thị số 100-CT/TW, về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp đã được ban hành. Nông nghiệp như được "cởi trói", bước đầu khơi dậy tinh thần làm chủ, phấn khởi của người lao động, tạo động lực cho nông nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, phải tới năm 1988, Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được ban hành, nông nghiệp nước ta mới thực sự sang trang. Ở đó, hộ gia đình được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài. Nhờ đó, từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn.
Có khoán 10, năng suất lúa ở ĐBSCL bứt tốc, lúa nhiều không biết chỗ nào mà để cho hết. Vậy là lại xảy ra chuyện nông dân bán không ai mua. Tháng 6.1989, Quốc hội họp, vấn đề xuất khẩu lúa gạo lại được nêu ra. Là đại biểu Quốc hội thời điểm đó, GS Võ Tòng Xuân đã đề nghị Chính phủ mở cửa xuất khẩu. "Đừng sợ an ninh lương thực. Lúa nước ta nhiều quá rồi, bán không được trong khi Philipines, Indonesia họ không đủ gạo ăn". Tới tháng 11.1989 thì nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, chỉ trong 2 tháng, đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn gạo tương đương 3,4 triệu tấn lúa mở ra một hành trình mới cho ngành lúa gạo và nông nghiệp Việt Nam.
Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, GS-TS Võ Tòng Xuân (1940 -2024)
Như Thanh Niên đã đưa tin, sau thời gian chống chọi với bệnh nặng, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam, đã qua đời lúc 7 giờ 27 ngày 19.8 tại bệnh viện ở TP.HCM, hưởng thọ 85 tuổi.
Theo thông báo của gia đình, tang lễ GS-TS Võ Tòng Xuân được tổ chức tại CLB Hưu Trí TP.Cần Thơ (số 30A đường Mậu Thân, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nghi thức động quan lúc 8 giờ ngày 22.8.2024, linh cữu ông sẽ được an táng tại quê nhà TT.Ba Chúc, H.Tri Tôn, An Giang.
GS-TS Võ Tòng Xuân là giáo sư nông học từ năm 1981. Ông từng giữ các chức vụ như Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần thơ; Đại biểu Quốc hội khóa VII (1981-85), VIII (1986-91), và IX (1992-97); Phó chủ nhiệm, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; Thành viên Nhóm tư vấn của Thủ tướng (1993-1996); Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ… Ông được nhận nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương lao động hạng Nhất; Huân chương lao động hạng Ba… Nhiều giải thưởng quốc tế như Huy chương Hiệp sĩ nông nghiệp của Bộ Nông lâm thủy sản Pháp (1996); bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới; huân chương Mặt Trời Mọc của Nhật Bản… GS-TS Võ Tòng Xuân cũng là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng đặc biệt VinFuture 2023, về những đóng góp lớn trong việc phổ biến giống lúa IR36.