Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh việc làm tương lai có nhiều thay đổi, sinh viên cần có định hướng để chuẩn bị hành trang cho mình khi đang còn trên ghế giảng đường đại học.
Tương lai việc làm sẽ ra sao?
Theo ông Nguyễn Việt Long, Phó tổng giám đốc, tư vấn EY Việt Nam, Việt Nam đang trong thời điểm chuyển đổi hành vi của các cá nhân trong xã hội, 63% giao dịch trên thị trường là online và mức độ sử dụng smartphone đạt 80%. Những thay đổi hành vi này sẽ ảnh hưởng đến việc làm trong tương lai. Dự báo của WEF giai đoạn 2023 - 2027 cho thấy 23% việc làm trên thế giới sẽ bị thay đổi do công nghệ, do yếu tố địa chính trị…; 12,3% công việc sẽ mất đi; 10,2% sẽ là công việc mới.
"Chưa bao giờ thị trường lao động thay đổi nhanh như bây giờ, và trong tương lai nó sẽ còn thay đổi mạnh mẽ", ông Long nói.
Qua dữ liệu từ LinkedIn cho thấy, các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất thời gian qua là: nhân sự (Talent), phân tích phát triển bền vững, bán hàng có liên quan đến thương mại điện tử. Những thay đổi vĩ mô tác động đến việc làm bao gồm sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, nhất là AI, cũng như yêu cầu về phát triển xanh. Ông Long khuyến cáo: "Các bạn sinh viên nên lưu ý khả năng tận dụng cơ hội việc làm sinh ra từ các xu hướng này".
Cũng theo ông Long, điểm cần lưu ý là ngoài kiến thức, kỹ năng học ở trường ra, sinh viên phải trau dồi thêm một số kiến thức và kỹ năng thị trường đang đòi hỏi, như nghiên cứu, phân tích sâu, các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, AI (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh - Generative AI) là rất quan trọng. Ngoài ra, sinh viên cũng cần quan tâm đến rèn luyện tư duy phản biện, khả năng tương tác, trí thuệ cảm xúc.
Học hôm nay để dùng cho 30 năm tới
Cũng tại tọa đàm, ông Trần Phú Sơn, Tổng giám đốc EY Việt Nam, kể về một kỷ niệm của mình thời bắt đầu du học sang Úc, tại ĐH Monash (chương trình thạc sĩ kế toán thực hành). Đang cảm thấy sung sướng bởi chỉ phải học 4 môn (trong khi hồi đó ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nơi ông Sơn theo học đại học, sinh viên phải học 52 môn) thì chàng du học sinh Việt Nam "choáng" khi cầm cuốn giáo trình môn giới thiệu về kế toán dày 752 trang, được tái bản lần thứ 22.
Sau khi tìm hiểu ông Sơn được biết, lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách dày khoảng 650 trang. Với mỗi lần tái bản, các tác giả cuốn sách bổ sung một số ví dụ mới (để minh họa cho nội dung các bài học). Còn nội dung cơ bản của cuốn giáo trình không thay đổi. Giờ đây, sau 30 năm làm việc trong ngành kế toán, kiểm toán, ông Sơn nhận thấy những nguyên lý được trình bày trong cuốn giáo trình 752 trang đó vẫn nguyên giá trị.
"Sự học của chúng ta giống như cuốn giáo trình đó. Đầu tiên là những kiến thức nền tảng được học ở trường ĐH, sau đó là những lần tái bản mà nội dung được bổ sung bằng những kiến thức thực tiễn. Những gì các bạn học hôm nay sẽ là những cái giúp ích các bạn trong nhiều chục năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo thời gian, các bạn cần phải tiếp tục cập nhật, bồi đắp thêm kiến thức", ông Sơn nói.
Ông Sơn chia sẻ thêm: "Nếu mỗi ngày chúng ta dành 15 phút để thực sự học thì đến năm 30 tuổi, năm chúng ta tương đối trưởng thành, chúng ta đã có khoảng 1.000 giờ học. 1.000 giờ học là một con số thực sự ý nghĩa, giúp chúng ta học được một cái gì đó rất thấu đáo".
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Việt Long cho biết: "Từ kinh nghiệm cá nhân trong việc học cũng như đi làm, tôi khuyến nghị các em mỗi ngành dành 10 - 15 phút ghi lại những gì chúng ta học được, những gì làm được, chưa làm được. Đó là một thói quen rất quan trọng. Khi viết vào sổ cũng là khi chúng ta viết tri thức vào bộ não mình. Việc này giúp chúng ta nghĩ sâu, và nhớ những gì đã học được".
Làm sao để bớt "loay hoay" khi chọn đường
Trước băn khoăn của nhiều sinh viên về việc chọn hướng công việc nào sau khi ra trường, ông Nguyễn Việt Long khuyên các em nên kiên định với chuyên ngành mình đã chọn, đừng bị áp lực đồng trang lứa (chạy theo số đông), tưởng cái này cái nọ hay hơn rồi thay đổi. Thực tế cho thấy, những ngành hot theo trào lưu, theo xu hướng cũng chỉ sốt việc làm được một thời gian.
Cách đây dăm năm đó là ngành marketing cho doanh nghiệp bất động sản, hay chứng khoán. Nhưng vừa rồi thị trường thoái trào, rất nhiều nhân sự phải nghỉ việc. Gần đây thì ào lên học về data, hoặc các ngành IT. Nhưng giờ đang có dấu hiệu thị trường việc làm lĩnh vực IT chững lại. "Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy đừng vội vàng chạy theo trào lưu. Hãy tự tin, kiên định, đào sâu một con đường mình đã chọn để trở thành người chuyên nghiệp", ông Long bày tỏ.
Ông Trần Phú Sơn cũng nhận định, thông thường người ta hay bị tâm lý "đứng núi này nhìn núi nọ". Trên thực tế, ngay cả những người rất thành công, được toàn cầu biết tới, ví dụ như Tim Cook, CEO của Apple, hồi còn học MBA tại ĐH Stanford đã viết một kế hoạch sự nghiệp cho 25 năm tới. Nhưng hóa ra sự nghiệp mà ông Tim đã gây dựng hoàn toàn không giống điểm nào trong kế hoạch đó.
"Nói thế để thấy rằng thực ra câu chuyện xác định cái gì dài hạn một cách rất rõ ràng và khả năng đi đúng 100% là không thể. Cho nên, nếu như chúng ta chưa định hình được tương lai thì điều đó không có gì là sai, không có gì phải lo lắng", ông Sơn chia sẻ.