Đặc biệt tại TP.HCM, địa phương với đặc thù là tỷ lệ dân nhập cư đông, giáo viên, học sinh có quê ở các tỉnh thành tại nhiều vùng miền trong cả nước. Do đó, nếu chỉ nghỉ tết 9 ngày thì không thể nào bố trí sắp xếp về quê quán đoàn tụ thăm ông bà, người thân.
Nghỉ tết, về quê thăm ông bà cũng là cơ hội trải nghiệm, học hỏi về văn hóa
Hà Thảo, học sinh một trường THCS tại Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: "Theo ý kiến cá nhân của em, em muốn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khoảng 2 tuần để cả nhà em có thể về quê dài ngày hơn. Việc mua vé tàu xe để quay lại thành phố cũng không quá gấp rút. Em nghĩ đây cũng là câu chuyện chung của nhiều gia đình. Đồng thời, khi nghỉ tết dài hơn, học sinh cũng có nhiều thời gian đến những địa điểm xinh đẹp để tham quan, chụp hình, trải nghiệm văn hóa".
Bình luận trên Thanh Niên Online, bạn đọc Tượng Van viết: "Thực tế hiện nay giáo viên tại TP.HCM từ các tỉnh thành khác chuyển lên công tác rất nhiều, nên giáo viên rất cần nghỉ nhiều ngày tết để có thể về quê thăm gia đình".
"Ngành giáo dục ngày nay luôn chú trọng hoạt động trải nghiệm, giáo dục thực tiễn cho học sinh. Ngày Tết Nguyên đán cũng là dịp để giáo dục cho học sinh nhiều ý nghĩa văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự kết nối trong gia đình. Thế nhưng ngày nghỉ tết ít ỏi thì làm sao cho học sinh được về quê, được đoàn tụ với người thân, được học hỏi những văn hóa trong thực tiễn đó?", chị Phương Anh, bạn đọc Thanh Niên Online, phụ huynh trú quận Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ.
Giảm bớt ngày nghỉ hè, để tăng ngày nghỉ tết được không?
Thầy V.N, giáo viên một trường THPT công lập tại TP.HCM, cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Giáo dục. Theo đó, thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Còn không có văn bản nào quy định cụ thể thời gian nghỉ hè của học sinh trong các cơ sở giáo dục công lập. Tùy vào chương trình khung năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành mỗi năm, sở Giáo dục - Đào tạo mỗi tỉnh thành sẽ công bố khung thời gian năm học, quy định lịch tựu trường, lịch khai giảng, nghỉ hè, nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh trong các cơ sở giáo dục công lập.
Thông thường, học sinh nghỉ hè trước ngày 31.5 hàng năm, và tựu trường khoảng ngày 26.8 hàng năm, với lớp 1 có thể tựu trường trước đó 1 tuần, khai giảng đồng loạt trên cả nước ngày 5.9. Như vậy tính ra, học sinh công lập thường nghỉ hè gần 3 tháng. Trong 3 tháng hè, phụ huynh cũng phải nháo nhào đi tìm nơi gửi con, đi tìm lớp học thêm cho con hay các khóa học hè để có người giữ con và mong con không quên kiến thức.
"Như vậy, tôi cho rằng chúng ta có thể điều chỉnh thời gian năm học, để không ảnh hưởng tới 35 tuần thực học của học sinh. Có thể bớt một ít ngày trong kỳ nghỉ hè, thời gian bắt đầu nghỉ hè có thể lùi vào đầu tháng 6, thay vào đó chúng ta tăng thêm số ngày nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh, giáo viên. Bớt ngày nghỉ hè, tăng ngày nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh, giáo viên, theo tôi là hợp lý", theo thầy V.N.
Chia nhỏ thành kỳ nghỉ đông (nghỉ tết), nghỉ hè, được không?
Nhiều phụ huynh cho biết các học sinh tại trường có yếu tố nước ngoài được chia nhỏ tổng số ngày nghỉ trong năm thành các kỳ nghỉ như nghỉ hè, nghỉ đông, nghỉ thu. Vậy học sinh trong các cơ sở công lập có thể chia nhỏ tổng số ngày nghỉ trong năm thành nghỉ đông (nghỉ tết) và nghỉ hè, thay vì dồn hết cho 3 tháng hè được không? Điều này cũng phù hợp đặc điểm thời tiết khi nhiều tỉnh phía bắc, mùa đông lạnh giá khắc nghiệt, mùa hè cũng là thời tiết nắng nóng gay gắt, hay xảy ra giông, lốc...