Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa, 41 tuổi, đã có 15 năm làm bảo mẫu ở Trường tiểu học Sơn Cang, Q.Tân Bình, TP.HCM. Từng ở nhà làm tự do, tình cờ biết trường học đang tuyển bảo mẫu hỗ trợ các em học sinh (HS) ăn ở bán trú, cô Hoa đến xin việc và làm từ năm 2009 cho tới nay.
Ngày làm việc của cô Hoa bắt đầu từ 6 giờ 45 cho tới khoảng 17 giờ 30, có một hai lần phụ huynh bận việc, cô cũng ngồi đợi tới 18 giờ 30 để chờ cha mẹ tới đón con.
Nữ bảo mẫu 15 năm kinh nghiệm cho biết thông thường các cô sẽ chia làm 2 nhóm, người ở "vòng trong", người lo "vòng ngoài". Vòng trong được hiểu là những công việc phụ các cô cấp dưỡng nhặt, rửa rau củ, xắt thái, sơ chế thực phẩm. Còn vòng ngoài là đón HS, chuẩn bị lớp học, lau hành lang… Tuần này, cô làm vòng trong thì tuần sau làm vòng ngoài. Công việc cứ thế tiếp nối tất bật, đặc biệt là giờ HS chuẩn bị ăn bán trú, ai nấy đều khẩn trương, người vận chuyển thức ăn lên từng lớp, người hỗ trợ HS lấy cơm và đồ ăn.
Với những cô bảo mẫu phụ trách lớp 1, lớp 2, do HS còn nhỏ, có bé biếng ăn, ăn chậm, các cô lại xắn tay bón cơm hoặc hỗ trợ HS khuyết tật học hòa nhập, dỗ dành các con ăn hết khẩu phần. Sau khi HS ăn xong, các cô lại kê bàn ghế, chuẩn bị chỗ ngủ trưa cho các em. Mỗi trưa, bảo mẫu cũng là người trực giờ ngủ của HS bán trú, phòng tránh nhiều tình huống đột xuất, đảm bảo an toàn cho các em. Học trò ngủ dậy, các cô tiếp nối công việc cho ăn xế, giúp các bé gái cột tóc, dọn dẹp lớp học, dọn dẹp bếp núc, thìa muỗng, đồ dùng bán trú, cho HS ra về, trả HS tận tay phụ huynh…
"Ngày mới đi làm, tôi về nhà đau lưng lắm, rã rời tay chân nhưng làm riết cũng quen. Giờ không đi làm là tôi nhớ HS lắm. Các bé thương tôi, cứ gọi tôi là "mẹ Hoa". Lương của tôi năm 2023 đã được tăng lên, là 5,3 triệu đồng một tháng, tằn tiện chi tiêu cũng đủ, tôi được đóng bảo hiểm xã hội, Tết Nguyên đán cũng được nhà trường hỗ trợ", cô Hoa bộc bạch.
TÍNH TOÁN ĐỂ HỖ TRỢ TĂNG THU NHẬP CHO BẢO MẪU
Cô Lê Thị Kim Ngân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết tại trường của cô, các bảo mẫu được trả theo mức lương tối thiểu vùng là 4.960.000 đồng/tháng. Hợp đồng được ký với các cô bảo mẫu trong 9 tháng/năm học. Các cô còn có các chế độ khác như đồng phục, khám sức khỏe định kỳ hằng năm, được đóng bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, nhà trường cố gắng trong khả năng của đơn vị để dịp Tết Nguyên đán đều có hỗ trợ cho các cô bảo mẫu, tùy năm thì số tiền hỗ trợ dịp tết dao động trong khoảng từ 2 - 5 triệu đồng.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.7, TP.HCM cho biết: "Lương mỗi tháng của cô bảo mẫu là lương tối thiểu vùng 4.960.000 đồng/người/tháng, nhưng trừ đi tiền bảo hiểm các thứ thì các cô thực lãnh khoảng 4,4 triệu một người". Cũng theo hiệu trưởng này, công việc của bảo mẫu khá vất vả, làm từ sáng sớm tới chiều; phải trả hết HS, phụ huynh đón con hết thì các cô mới được về. Năm học 2024 - 2025 này, trường dự toán tăng tiền "dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú" 15% theo sự cho phép của TP từ 207.000 đồng/tháng thành 238.000 đồng/HS/tháng. "Số tiền tăng này để trả thêm lương cho các cô, từ bốn triệu mấy thành khoảng 5 triệu đồng/tháng", vị này cho biết.
Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.1, TP.HCM cho biết trường cũng trả lương cho bảo mẫu theo lương tối thiểu vùng 4.960.000 đồng/người/tháng (trước khi trừ bảo hiểm xã hội). Kinh phí từ ngân sách chi tiêu nội bộ trong trường, các trường tự cân đối điều chỉnh từ nguồn các khoản thu trong quy định. Tuy nhiên, tại trường của bà, tùy quy chế chi tiêu nội bộ, nhà trường sắp xếp để có thể chăm lo về vật chất, động viên tinh thần các nhân viên bảo mẫu.
Như ngoài lương, những cô bảo mẫu gắn bó lâu năm với trường, ví dụ làm trên 5 năm thì mỗi tháng sẽ thêm 100.000 đồng. Hay các dịp lễ, tết, giáo viên có tiền thưởng thì bảo mẫu cũng có và các chế độ tương tự. Đặc biệt, bảo mẫu cũng được xét thi đua cuối năm để có hỗ trợ thu nhập tăng thêm vào dịp Tết Nguyên đán, có thể từ 2 - 3 triệu đồng/người. "Dù ít hay nhiều thì các khoản này cũng chăm lo thêm cho đời sống của bảo mẫu, để các cô thêm gắn bó với nghề, với trường", vị hiệu trưởng chia sẻ.
KHÔNG CÓ LƯƠNG 3 THÁNG HÈ
Nữ hiệu trưởng một trường tiểu học khác ở trung tâm Q.1, TP.HCM cho biết thiệt thòi nhất cho các cô bảo mẫu là không có lương trong 3 tháng hè, bởi HS nghỉ hè, trường không tổ chức bán trú. "Tôi biết rất nhiều cô bảo mẫu phải đi làm thuê làm mướn, làm đủ công việc trong 3 tháng hè để xoay xở, rất thương", bà cho biết.
Đáng chú ý, theo nữ hiệu trưởng, hiện nay theo Nghị định 111/2022 của Chính phủ thì ưu tiên các trường ký hợp đồng với một số loại công việc qua đơn vị cung cấp dịch vụ. Hiện nay, nhân viên bảo vệ đã có đơn vị cung cấp, nhân viên phục vụ cũng có thể ký qua đơn vị cung cấp dịch vụ nhưng chưa có đơn vị nào cung cấp bảo mẫu và đây vẫn chưa là một nghề chính danh. "Tôi thật sự tha thiết là cần xem bảo mẫu là một nghề chính danh trong các chức danh nghề nghiệp. Hiện nay theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, HS tiểu học bắt buộc phải học 2 buổi/ngày, nhu cầu HS bán trú cũng tăng, như vậy thì rõ ràng nhu cầu cần các bảo mẫu là nhu cầu có thật", cô hiệu trưởng tâm tư.
Một cán bộ quản lý khác tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng thừa nhận các bảo mẫu khá vất vả, công việc không quá nặng nhọc nhưng thời gian làm việc kéo dài trong ngày từ 6 giờ 30 tới hơn 17 giờ, các cô cũng không được nghỉ trưa, liên tục phải dọn dẹp trong bếp, chuẩn bị cho trẻ ăn xế, cuối tuần lại lo giặt giũ, dọn rửa chiếu, vỏ gối, dụng cụ ăn bán trú. Theo cán bộ quản lý này, sự chăm sóc, hỗ trợ của các cô bảo mẫu với HS là cần thiết để giúp phụ huynh yên tâm hơn khi con đi học bán trú ở trường.
Phụ huynh chia sẻ với cô bảo mẫu
Thấu hiểu công việc vất vả trong khi lương còn khá thấp của các cô bảo mẫu, nhiều phụ huynh HS có những cách khác nhau để chia sẻ, động viên những người ngày ngày trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ con em mình.
Chị Thùy Linh, phụ huynh có con học tiểu học tại Q.5, TP.HCM, chọn cách tặng quà, lì xì cô vào những ngày lễ như 8.3, 20.10, Tết Nguyên đán. Anh Tâm, phụ huynh có con học tại Q.1, TP.HCM, cho hay không chỉ ngày lễ, tết anh mới tặng quà cho cô bảo mẫu mà thi thoảng, khi đi đón con, anh hay gửi cô vài trăm ngàn đồng để mời cô ly cà phê, ăn sáng. "Tôi thấy cô bảo mẫu lớn tuổi như mẹ mình ở nhà, chăm sóc các cháu rất tận tình thì rất thương", anh Tâm chia sẻ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.7, TP.HCM cho biết nhiều phụ huynh cũng có nhã ý muốn gửi biếu thêm tiền hằng tháng cho cô bảo mẫu. "Tuy nhiên, tôi cũng trao đổi với ban đại diện cha mẹ HS rằng nếu việc tặng, biếu các cô bảo mẫu tùy tâm, tự nguyện ở góc độ cá nhân phụ huynh thì không sao. Còn nhà trường không có chủ trương các lớp "đổ đầu", "cào bằng" đóng góp từ phụ huynh để góp tiền biếu cô bảo mẫu, cũng như việc sử dụng kinh phí ban đại diện cha mẹ HS của lớp để biếu, tặng cô bảo mẫu - là người lao động trong nhà trường cũng không đúng quy định của Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về điều lệ ban đại diện cha mẹ HS", hiệu trưởng này nói.