Theo quy định, mỗi năm học, các bậc phụ huynh sẽ dự họp khoảng 3 lần với giáo viên chủ nhiệm để trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình cũng như việc học tập và rèn luyện của con em mình.
Nhiều giáo viên gửi thư mời họp phụ huynh với chiếc phong bì được ghi họ tên phụ huynh bên ngoài thư mời thể hiện sự trân trọng đối với các bậc phụ huynh. Giáo viên chủ nhiệm một lớp học thể hiện tính tiết kiệm và lan tỏa tinh thần này đến với các bậc cha mẹ trước khi bắt đầu sinh hoạt nội dung cuộc họp với đề nghị: "Xin phép các vị phụ huynh được giữ lại các phong bì này để gửi thư mời cho những lần tiếp theo để tránh lãng phí".
Một phụ huynh trong lớp ví von hành động này của cô giáo: "Cô đang thực hiện một chữ R – Reuse trong nguyên tắc 3R – Reduce , Reuse, Recycle ( Giảm thiểu, sử dụng lại, tái chế ) trong việc thể hiện lối sống xanh vì cung cấp đầy đủ giá trị và ý nghĩa của sản phẩm cho đến khi không còn có thể sử dụng được nữa".
Ở góc độ giáo dục, thông qua việc làm của mình, cô giáo đã gửi đến phụ huynh một thông điệp hữu ích trong việc dạy bảo con em mình: Nên bảo quản, tận dụng các đồ dùng học tập, sinh hoạt để tiết kiệm tiền bạc của cha mẹ.
Những chiếc phong bì được tái sử dụng mang lại một ý nghĩa sâu sắc để lan tỏa thói quen tốt, tính khoa học và chi tiêu hợp lý để tránh lãng phí - Một thông điệp thật ý nghĩa trong buổi họp phụ huynh đầu năm.
"Tôi lo được thầy ạ!"
"Tôi lo được thầy ạ!", câu nói thật đơn giản, chân tình với nụ cười lạc quan của vị phụ huynh đã làm ấm lòng giáo viên chủ nhiệm sau buổi họp phụ huynh dù biết rằng đằng sau câu nói ấy là những tháng ngày bươn chải của vị phụ huynh giữa bộn bề cuộc sống.
Anh chị có 3 người con và đều được đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Cả hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, phải đi làm thuê, làm mướn để đắp đổi qua ngày. Điều đáng trân quý với anh chị là không trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng mà tự vươn lên trong cuộc sống bằng chính sức lao động chân chính của mình. Niềm hạnh phúc của anh chính là kết quả học tập của con mình. Con đầu của anh chị sắp tốt nghiệp đại học, con thứ hai đang ở năm thứ ba đại học và cháu còn lại đang ở bậc phổ thông.
Nhìn chiếc áo sờn vai và chiếc xe đạp cọc cạch của anh trước khi chia tay, tôi càng trân trọng hơn nữa tính cách vượt khó của anh. Không than vãn trước những biến thiên mà thay vào đó vị phụ huynh này luôn bình tĩnh để có được cách giải quyết tốt nhất. Không ít lần tôi nghe những lời ca cẩm từ những người mà đáng lẽ với sức lao động của những thành viên trong gia đình, họ có thể nhận được thu nhập chính đáng để có được cuộc sống ổn định mà không phải trông chờ vào sự giúp đỡ của xã hội.
Ý nghĩa nhân văn cao đẹp của những chính sách an sinh xã hội sẽ lan tỏa sâu rộng hơn với những người như phụ huynh này, có ý thức vươn lên trong cuộc sống chứ không phải từ những suy nghĩ và hành động tiêu cực để hưởng lợi cho chính bản thân mình.