Xuất khẩu lao động có tay nghề sang châu Âu: Lương từ 33-78 triệu đồng/tháng

00:00 - 11/10/2023

Nhiều nước châu Âu như Đức, Áo, Thụy Sĩ đang hợp tác với các trường nghề tại Việt Nam để tạo nguồn cung ứng lao động có tay nghề làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau với mức lương cao.

Những thông tin về xuất khẩu lao động đối với người đã qua đào tạo được chia sẻ tại hội thảo “Nâng cao kỹ năng của lao động Việt Nam đáp ứng thị trường châu Âu” do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam tổ chức tại Trường CĐ Viễn Đông sáng 10.10.

Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chiến lược quan trọng

Có mặt tại hội thảo, tiến sĩ Phan Sỹ Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, cho biết một trong các nhiệm vụ mà chiến lược Phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra là “gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động, gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Xuất khẩu lao động có tay nghề sang châu Âu: Lương từ 33-78 triệu đồng/tháng

Sinh viên tham gia hội thảo để nắm bắt thông tin về cơ hội việc làm tại châu Âu

L.T

Theo đó, Chỉ thị số 16 năm 2012 của Ban Bí thư đã xác định việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chiến lược quan trọng, lâu dài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ông Nghĩa cho biết: “Hiện có hơn 712.000 người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đem lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Cụ thể hàng năm, lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng từ 2,5-3 tỉ USD. Nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với trách nhiệm, năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Về thu nhập khi làm việc tại châu Âu, tiến sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, cho hay một lao động phổ thông (chưa qua đào tạo nghề) nếu sang Đức hoặc các nước châu Âu làm việc, thì mức lương chỉ được dưới 1.000 euro/tháng (dưới 25 triệu đồng).

“Tuy nhiên, đối với một lao động được nước bạn đặt hàng đào tạo, có bằng trung cấp, mức lương sẽ là 1.300-1.500 euro/tháng (33-38 triệu đồng), có bằng CĐ là 2.000-2.500 euro/tháng (52-65 triệu đồng). Sau một năm làm việc, người có bằng CĐ được tăng lên tới 2.800-3.000 euro/tháng (72-78 triệu đồng)”, tiến sĩ Hải thông tin. 

Được biết, từ năm 2020 đến nay, Trường CĐ Viễn Đông đã đào tạo 500 lao động theo đơn đặt hàng của Đức và hiện những bạn trẻ này đang làm việc tại Đức.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường “khó tính”

Trong số các quốc gia mà người lao động Việt Nam đến làm việc, theo PGS-TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), châu Âu là thị trường “khó tính”, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng. Chính vì thế, để có thể cung cấp và đáp ứng yêu cầu của các quốc gia này, việc đào tạo nghề bao gồm chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, tác phong kỷ luật… cho người lao động là vô cùng cần thiết.

Xuất khẩu lao động có tay nghề sang châu Âu: Lương từ 33-78 triệu đồng/tháng

Sinh viên Trường CĐ Viễn Đông được đào tạo theo đơn đặt hàng hiện đang làm việc tại Đức

 

Hiện nay, Đức là quốc gia có nhiều hợp tác với Việt Nam trong việc cung ứng nguồn lao động. Ông Bạch Hưng Trường, Trưởng hợp phần hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao-Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ), cho rằng mô hình đào tạo kép của Đức mà hiện nay một số trường CĐ đang thực hiện, sẽ giúp cho người học đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính này.

Theo đó, sinh viên sẽ học 30-50% lý thuyết tại trường còn 50-70% thực hành sẽ học tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp Đức sẽ cùng xây dựng chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học. Bằng cấp của chương trình này cũng được Đức và châu Âu công nhận.

Bà Lý Kim Nhung, phụ trách dự án tư vấn công bằng, Phòng Công nghiệp và thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam, thông tin, hàng năm Đức thiếu hụt hơn 600.000 lao động, đặc biệt ở các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn và du lịch, công nghệ thông tin, điện-điện tử.

“Chính phủ Đức đã thông qua luật Nhập cư lao động lành nghề mới vào ngày 7.7.2023, dự kiến có hiệu lực từ cuối năm 2023 hoặc trong năm 2024. Với các chính sách mới, chính phủ Đức mong muốn có thể thu hút được nhiều nhân lực từ nước ngoài hơn, trong đó có Việt Nam. Người lao động có bằng trung cấp năm trở lên, được Đức công nhận, có hợp đồng lao động tại Đức và trình độ tiếng Đức theo yêu cầu thì có cơ hội nhập cư tại nước này”, bà Nhung chia sẻ.

Theo tiến sĩ Phan Sỹ Nghĩa, nếu các trường CĐ, trung cấp đào tạo để đưa sinh viên sang châu Âu làm việc, cần tập trung đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng, giáo dục ý thức pháp luật, làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động về thực hiện hợp đồng, tôn trọng phong tục tập quán, văn hóa, hòa nhập thị trường lao động quốc tế.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cho rằng hiện nay kết nối của thị trường lao động châu Âu với hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận của các trường với nhu cầu lao động châu Âu còn khó khăn do thiếu thông tin và thiếu chủ động tìm nguồn kết nối.

“Ngoài ra, người học cũng còn thiếu thông tin về việc đi học nghề là có thể ra làm việc ở nước ngoài với mức lương hấp dẫn. Các trường cần nâng cao nhận thức người lao động, học sinh, sinh viên về việc ra nước ngoài làm việc một cách hợp pháp. Đồng thời xác định nhu cầu của nước ngoài như thế nào để đào tạo phù hợp”, bà Bình cho hay.

Trong khi đó, bà Phan Thị Lệ Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chỉ ra một bất cập trong việc định hướng nghề nghiệp cho bạn trẻ muốn sang Đức hiện nay là có quá nhiều đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị này không có chức năng hợp pháp của ngành lao động và giáo dục đào tạo, đưa ra đủ mức giá, chi phí học tập tiếng Đức, hồ sơ, mức lương… khiến người học rối, không biết thông tin nào là chính thống.

“Các trung tâm dạy tiếng Đức không có giấy phép, không ai kiểm tra chất lượng, đưa người lao động qua Đức nhưng không kết nối với lãnh sự quán hay đại sứ quán để thực hiện bảo hộ công dân dẫn đến hiện tượng phá hợp đồng xảy ra từ 2 phía mà không có ai giải quyết. Điều này gây rắc rối, thiệt thòi cho người lao động”, bà Thu thông tin.

Chính vì thế, bà Thu đề xuất cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các cơ sở đào tạo và tư vấn du học bất hợp pháp đang hoạt động nhan nhản trên mạng xã hội.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...