Qua khảo sát tại dự án cải tạo kênh Hàng Bàng (đoạn qua Q.5 và Q.6), đa số người dân đều ủng hộ chủ trương “hồi sinh” dòng kênh đang ô nhiễm nặng nề với điều kiện chính sách bồi thường phải hợp tình, hợp lý. “Hợp tình, hợp lý” theo cách hiểu của người dân là giá bồi thường sát thị trường, được tái định cư tại chỗ, tìm được việc làm mới sau khi di dời. Thế nhưng, những nhu cầu chính đáng đó lại khó tìm được lời giải, nhất là về đơn giá bồi thường và nền đất tái định cư.
Ông Bùi Trọng Suốt, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.6, cho biết đa số hộ dân phải di dời để làm kênh Hàng Bàng đã khiếu nại, kiến nghị được hoán đổi vị trí nền đất tại khu vực lân cận. Tuy nhiên, theo phân bổ quỹ nhà đất tái định cư, Q.6 không có nền đất mà chỉ có căn hộ chung cư.
Tương tự, UBND Q.5 cũng cho biết chỉ được giao quỹ căn hộ tại chung cư 243 Tân Hòa Đông (P.14, Q.6) để bố trí tái định cư cho dự án cải tạo kênh Hàng Bàng. Do đa số hộ dân đang trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê nhà để kinh doanh nên nếu có quỹ nền tái định cư để bố trí sẽ dễ vận động người dân đồng thuận với phương án di dời. Về các chính sách hỗ trợ khác, địa phương sẽ hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm và đưa những hộ đủ điều kiện có nhu cầu tiếp tục kinh doanh vào quầy sạp còn trống tại chợ thực phẩm 96 đường Hùng Vương và chợ Hòa Bình.
Liên quan giá bồi thường, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, dẫn chứng ở nhiều quốc gia khi bồi thường cho người dân thậm chí nhà nước còn chịu thiệt. Trong khi đó, nhiều địa phương ở Việt Nam bồi thường thấp, người dân không đồng tình. “Nhà nước bồi thường thấp quá thì người dân không chịu di dời. Dự án kéo dài, đường không mở rộng, kênh vẫn ngập nước gây lãng phí lớn”, ông Võ nhìn nhận.
Dự án đội vốn vì chờ mặt bằng là thực trạng diễn ra tại nhiều công trình không chỉ ở TP.HCM mà còn nhiều địa phương trên cả nước. Thậm chí có nhà thầu còn kiện chủ đầu tư đòi bồi thường vì máy móc nằm phơi nắng, phơi mưa. Tại TP.HCM có dự án bồi thường kéo dài hơn 10 năm, tiền lãi phát sinh còn nhiều hơn kinh phí bồi thường ban đầu. Những khoản chi phí đó, ngân sách nhà nước đều phải bỏ ra.
Dồn lên chung cư, dân không sống nổi
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, nhìn nhận khi bồi thường, một số cơ quan nhà nước, chủ đầu tư có khuynh hướng nhìn vào bài toán kinh tế mà ít quan tâm đến khía cạnh đời sống xã hội. Thông thường khi thu hồi đất, nhiều đơn vị chỉ nghĩ đến bồi thường bằng một khoản tiền, tái định cư bằng nền đất hoặc căn hộ có giá trị tương đương. Với cách làm này, những người có năng lực quản lý sẽ hoán đổi căn hộ, nền đất đó để lấy tiền tìm kiếm chỗ ở mới.
Tuy nhiên, nếu đưa vào chung cư thì đa phần lao động phổ thông sẽ thấy không phù hợp về tập quán cư trú. Họ không có sinh kế, việc làm ở chỗ mới hoặc đi đến chỗ làm việc cũng xa hơn. “Khi giải tỏa, người dân phải thay đổi toàn bộ đời sống gia đình, mất đi quan hệ cộng đồng, mất sinh kế, con nhỏ đang học phải thay đổi trường lớp… Những vấn đề đó chưa được tính đến mà chỉ quy đổi bằng giá trị tương đương dù đối với người dân, hệ lụy đó kéo dài rất lâu”, TS Lộc phân tích.
Theo ông, những người chấp nhận giải tỏa dời đến khu vực khác đã hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình cho sự phát triển chung nên phải được bù đắp tương xứng, có tính toán lộ trình thích ứng với môi trường mới.
TP.HCM có bao nhiêu nhà đất tái định cư ?
Hồi tháng 4.2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động rà soát nhu cầu tái định cư tại các dự án đến năm 2030, trong đó dự kiến bao nhiêu trường hợp tái định cư bằng nền đất, căn hộ để đề xuất thành phố xây dựng. Các địa phương có nhu cầu lớn chủ động rà soát quỹ đất công trên địa bàn để lập dự án tái định cư phục vụ nhu cầu người dân hoặc xây dựng khu tái định cư tại chỗ trong từng dự án.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM đến tháng 7.2023, thành phố có hơn 6.600 căn hộ và nền đất (gồm hơn 4.100 căn hộ và hơn 2.500 nền đất) chưa sử dụng đang được các quận, huyện hiệp thương đưa vào phương án bồi thường, bố trí tái định cư cho khoảng 450 dự án đầu tư công cần giải phóng mặt bằng. Quỹ căn hộ này cũng được dùng làm nơi bố trí tạm cư cho các chung cư hư hỏng nặng, cháy nổ, khu vực sạt lở bờ sông. Ngoài ra, TP.HCM còn hơn 5.000 căn hộ và nền đất đã có chủ trương bán đấu giá.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết sau khi phương án hỗ trợ, bồi thường tái định cư được duyệt, người dân có quyền lựa chọn căn hộ, nền đất để tái định cư hoặc nhận tiền tự lo nơi ở mới. Trong trường hợp người dân nhận tiền thì quỹ nhà đất phục vụ dự án sẽ được xem xét điều chuyển cho các dự án đầu tư công khác hoặc đấu giá để thu hồi vốn.
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ đánh giá việc bố trí tái định cư tại chung cư khiến đa số người dân mất kế sinh nhai, không tìm được việc làm. Trong khi đó, những lợi thế kinh doanh, buôn bán của nhà mặt tiền, khu vực chợ lại chưa được tính toán bồi thường đầy đủ. “Khi thu hồi đất mở rộng đường thì tái định cư ven đường mới, đường rộng thì đất có thể hẹp lại. Người ta vẫn có cuộc sống như cũ, không thay đổi gì cả. Nếu không tái định cư ngay vị trí cũ thì ở khu vực lân cận”, ông Võ khuyến nghị. Chuyên gia này cũng cho rằng cần nhận thức rõ khi thu hồi đất thì phải bồi thường đầy đủ, thỏa đáng cho người dân, nhà nước sẵn sàng chịu thiệt chứ không đặt nặng bài toán lời lãi…
Hạn chế rủi ro cho người bị thu hồi đất
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết kinh nghiệm quốc tế thường đánh giá tiền khả thi để khảo sát nhu cầu người dân rồi mới thiết kế dự án bồi thường. Sau khi triển khai dự án, họ có đánh giá giữa kỳ để kịp điều chỉnh, và khi kết thúc dự án thì đánh giá tổng kết và báo cáo đơn vị liên quan nhằm giảm thiểu rủi ro.
“Bị giải tỏa đã là rủi ro rồi nhưng cần hạn chế đến mức thấp nhất và cố gắng giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống tại nơi ở mới, nếu không tốt hơn thì cũng phải duy trì được nhịp sống bình thường”, ông Lộc nói. Đặc biệt, đối với nhóm yếu thế, năng lực thích ứng không tốt, nếu chính sách không tính toán kỹ thì chỉ cần sơ sẩy là họ rơi vào tình trạng nghèo đói đô thị.
Chuyên gia này nhấn mạnh bồi thường, tái định cư không phải là bài toán kinh tế trao đổi ngang giá mà là vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Khi đã hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng thì nhà nước phải bù đắp tốt hơn, tránh tình trạng may nhờ rủi chịu.
TP.HCM đang thực hiện di dời nhiều dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo nhà trên và ven kênh rạch như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, kênh Đôi – kênh Tẻ, rạch Xóm Củi… Đa phần nhà có diện tích nhỏ, lại còn lấn chiếm nên tiền bồi thường thấp, có thể không đủ điều kiện tái định cư, mà nếu nhận tiền thì cũng khó tìm được nơi ở phù hợp với công việc.
Do vậy, ông Lộc cho rằng khi bồi thường phải tính đến yếu tố lịch sử đất đai của khu vực đó. Những gia đình sinh sống ổn định cả hàng chục năm, số nhân khẩu gia tăng tự nhiên sẽ khác với người mới tới, lấn chiếm để chờ đền bù. Cơ quan quản lý nên chia nhóm để tính toán chính sách, chứ không cào bằng.
“Tôi từng chứng kiến cả gia đình bị giải tỏa, được bồi thường bằng căn hộ chung cư nhưng tối về không có chỗ ngủ phải dồn ra hành lang. Sau đó, họ phải bán chung cư để về Củ Chi mua đất, cất nhà rộng rãi hơn”, chuyên gia này chia sẻ.