PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN) nhìn nhận việc lãnh đạo TP.HCM tham gia trực tiếp, gián tiếp vào triển khai giải ngân vốn đầu tư công là điểm tích cực. Khi tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu, lãnh đạo TP.HCM đã nhìn thẳng vào thực tế và phân tích các dự án, đặc điểm, đồng thời chia nhóm nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục.
Nếu kết thúc năm 2023 không giải ngân 95% như kế hoạch, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng TP.HCM cần xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Đối với nguyên nhân khách quan, cần các giải pháp khắc phục triệt để và phương án dự phòng tình huống tương tự trong tương lai. Đối với nguyên nhân chủ quan, cần có hình thức xử lý phù hợp như điều chuyển, thay đổi, thậm chí xử lý trường hợp (ở các sở ngành, quận, huyện, chủ đầu tư dự án) không dám nghĩ dám làm, có tư lợi hoặc lợi ích nhóm.
“Cần cơ chế thưởng phạt rõ ràng và cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung. Đó sẽ là tiền đề quan trọng cho việc xác định một thể chế căn cốt thúc đẩy việc quản trị và giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả các năm tiếp theo”, TS Hưng nhận định.
Năm nào TP.HCM và các địa phương cũng chung tình cảnh “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả” khi thời điểm giải ngân vốn đầu tư công dồn vào cuối năm. Theo TS Hưng, việc để “lụt” sâu và lặp lại nhiều năm cho thấy đã đến lúc cần có bài giải căn cơ, đi vào gốc gác của vấn đề mới hy vọng có được giải pháp bền vững, toàn diện.
Để tránh tái diễn, chuyên gia này cho rằng TP.HCM cần lên kế hoạch sớm và chuẩn bị dự án chu đáo, sát thực tiễn. Bên cạnh đó, địa phương cũng có thể duy trì hoặc thành lập các tổ liên ngành để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo từng lĩnh vực, loại hình dự án để linh hoạt đưa ra giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn.
Đối với công tác bồi thường, TS Hưng cho rằng có thể nghiên cứu phân tách cấu phần bồi thường, giải phóng mặt bằng thành các dự án độc lập, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân. Thực tế dự án Vành đai 3 TP.HCM cho thấy khi tách bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập thì tỷ lệ giải ngân nhanh hơn.
“Cách làm này sẽ là gợi ý tốt cho các dự án đầu tư công tương tự, tạo sự đồng thuận và an dân, nhanh chóng đưa các dự án vào triển khai mang lại hiệu quả đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có sinh kế của người dân”, TS Hưng nói.
Không để giải ngân thấp hơn năm trước
Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 23 hôm qua 10.10, nhiều ý kiến làm rõ, cung cấp thêm thông tin và nêu đề xuất, kiến nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án trọng điểm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công vừa kích thích tổng cầu, vừa hỗ trợ tăng trưởng nên cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, cần tập trung công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để có mặt bằng triển khai đầu tư công.
“Có nhiều nơi làm rất tốt. Chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát cụ thể và rõ ràng thì nơi đó đem lại kết quả. Tất nhiên không thể lấy nơi này để so sánh nơi khác vì điều kiện, nhiều lý do khách quan nên khó so sánh chính xác. Nhưng cũng là việc như thế, nơi này làm được mà nơi khác không làm được thì phải tự xem lại mình”, ông Nên nói.
Năm 2023, TP.HCM có số lượng dự án và khối lượng cần giải ngân nhiều hơn năm ngoái với tổng giá trị gần 68.500 tỉ đồng. Bí thư TP.HCM nhận định hầu hết dự án thực hiện trong năm 2023 đều là dự án cũ nhưng công tác chuẩn bị chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chưa như kỳ vọng. Ông cũng chia sẻ những việc phải làm, cần làm từ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc, tăng cường thì Thành ủy TP.HCM đều đã thực hiện. Hiện UBND TP.HCM đã cung cấp danh sách từng dự án trên từng địa bàn và tiến độ giải ngân để Thành ủy TP.HCM kiểm tra, xem xét, thúc đẩy trong thời gian 3 tháng còn lại.
“Có nhiều lý do để nói chậm, nhưng vấn đề còn lại là giải quyết như thế nào”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói thêm và cho biết hội nghị chuyên đề về đầu tư công của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM dự kiến tổ chức trong tháng 10.2023 sẽ giải quyết, làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định mục tiêu giải ngân 95% trở lên sẽ khó khăn nhưng nếu không đạt thì cũng phải tiệm cận và cao hơn năm 2022, không để tỷ lệ giải ngân dưới 80%. Hiện UBND TP.HCM đã phân nhóm dự án theo tỷ lệ giải ngân, theo nhóm vướng mắc, theo địa bàn, đầu mối thực hiện để thúc đẩy.
“Thời gian qua có nhắc nhưng một số quận, huyện chỉ đến phó chủ tịch, còn chủ tịch chưa quan tâm chỉ đạo. Như vậy, việc báo cáo của chủ tịch UBND với thường trực quận ủy, huyện ủy chưa tốt”, ông Mãi nói và đề nghị cấp ủy cùng vào cuộc. Riêng dự án bồi thường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá khởi đầu đã suôn sẻ, nhưng nếu không làm tiếp bồi thường phần còn lại, tái định cư bằng nền đất, căn hộ theo kiểu mẫu thì sẽ không trọn vẹn.
Cấp ủy đồng hành, vốn bồi thường giải ngân nhanh
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết năm nay Q.Bình Tân được giao 28 dự án với tổng mức đầu tư 576 tỉ đồng, trong đó dự án xây lắp là 457 tỉ đồng và dự án bồi thường là 119 tỉ đồng. Đến nay, quận đã giải ngân 386 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 67% dù 6 tháng đầu năm chỉ đạt 26%.Do hầu hết các dự án đều chưa có mặt bằng để thi công nên quận tập trung quyết liệt cho công tác giải phóng mặt bằng, tất cả cơ quan, đơn vị phối hợp Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng tuyên truyền, vận động người dân có đất bị ảnh hưởng trong dự án.Ông Nhựt cho biết, quận thành lập 3 tổ công tác do thường trực UBND quận làm tổ trưởng theo dõi tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn và tiếp dân; Quận ủy Bình Tân cũng phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy theo dõi, giám sát và cùng tham gia tiếp xúc vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng. Hiện quận đã giải ngân toàn bộ kinh phí bồi thường.
“Có mặt bằng tới đâu thì bàn giao chủ đầu tư tổ chức thi công tới đó nên người dân ủng hộ”, ông Nhựt nói thêm.
Trong 3 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây lắp để giải ngân trên 95% theo đúng chỉ đạo của thành phố. Vừa qua, UBND TP.HCM bổ sung vốn trung hạn cho quận thêm 5 dự án nên từ bây giờ, quận chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết để sớm đưa dự án hoàn thành.
Tổ chức họp giải quyết ngay thay vì lấy ý kiến bằng văn bản
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, cho biết hiện đơn vị có 53 dự án có cấu phần bồi thường, trong đó có 20 dự án chiếm tỷ trọng lớn khoảng 2.000 tỉ đồng. Đối với từng dự án, Ban Giao thông đều có đề xuất cụ thể để trao đổi với địa phương và tổ công tác của Sở TN-MT, xác định từng mốc thời gian, tiến độ từng phần việc để duyệt giá bồi thường trước ngày 30.12. Ông Phúc cũng cho biết đối với từng vướng mắc cụ thể, đơn vị sẽ trao đổi, xin ý kiến hướng dẫn của Sở TN-MT, Sở Tài chính và Sở Xây dựng. “Ban Giao thông đã gửi danh sách dự án bồi thường đến bí thư và chủ tịch quận huyện kèm theo tiến độ, vướng mắc cụ thể và đề nghị vào cuộc xử lý”, ông Phúc cho biết thêm.
Để đẩy nhanh tiến độ, Giám đốc Ban Giao thông đề xuất cách làm như khi triển khai Vành đai 3, đó là có những vấn đề thay vì gửi văn bản lấy ý kiến thì tổ chức họp trực tiếp để giải quyết nhanh.