Kỳ tích 200 năm
Lão nông Huỳnh Văn Lộc (75 tuổi, ngụ P.Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc) bước lên cầu Vĩnh Ngươn bắc ngang đầu kênh Vĩnh Tế, ngó nghiêng nhìn con nước cuối mùa lũ như một thói quen.
Ông bảo, người dân xứ này lớn lên bên dòng kênh Vĩnh Tế, cứ nhìn con nước kênh mà mưu sinh chẳng lo đói. Hằng năm, 6 tháng mùa nước nổi tràn đồng, cá tôm, sản vật nhiều vô kể, người dân chỉ việc thả lưới, giăng câu, đặt lợp, đóng dớn là ăn không hết. 6 tháng mùa khô, tận dụng nước kênh Vĩnh Tế, nhà nhà lại trồng lúa, nuôi cá trê, nuôi ếch, nuôi lươn...
"Qua hàng trăm năm, dòng nước thiêng của kênh Vĩnh Tế như ngấm vào máu thịt và là niềm tự hào của người dân xứ này", ông Lộc nói.
Ngược dòng lịch sử, kênh Vĩnh Tế còn cho thấy một tầm nhìn chiến lược rất đáng ngưỡng mộ của cha ông. Sách Quốc triều chính biên toát yếu ghi: "Năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong tâu lên, vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to".
2 năm sau, tháng 9 (âm lịch) năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long cho lệnh đào kênh từ Châu Đốc chạy dài thông ra biển Hà Tiên, Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu lúc này là Trấn thủ Vĩnh Thanh nhận lệnh chỉ huy công trình.
Công cuộc đào kênh Vĩnh Tế được khởi công vào tháng chạp năm 1819, trải qua 3 giai đoạn; hàng vạn quân, dân phu được huy động, chia làm 3 phiên để đẩy nhanh tiến độ.
Sử sách ghi, để làm cho con kênh được thẳng, người xưa phải đợi ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc buộc trên đầu những cây sào rồi nhắm theo đường thẳng mà cắm. Muốn điều khiển những cây "sào lửa" cho thật ngay hàng, nhóm thợ cầm một cây rọi to, đứng trên cao phất qua phất lại ra hiệu cho người cầm sào tìm đúng vị trí.
Công việc đào kênh thâu đêm suốt sáng, muôn vàn cơ cực, lại thêm nhiều sơn lam chướng khí, kham khổ, thiếu thốn khó mà kể hết. Cuối cùng, sau rất nhiều gian khổ, thiệt hại nhân mạng vì bệnh tật, kiệt sức hay vì thú dữ...; tháng 5 (âm lịch) năm 1824, kênh Vĩnh Tế cũng hoàn thành.
Hay tin, vua Minh Mạng rất mãn nguyện vì nối được chí cha, liền ban thưởng, cho dựng bia ở núi Sam (Châu Đốc) ghi nhớ thành quả đào kênh. Để ghi nhận công lao của quan Thoại Ngọc Hầu, tên phu nhân của ông là bà Châu Thị Vĩnh Tế được vua đặt làm tên kênh. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), vua cho đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, lấy hình tượng kênh Vĩnh Tế chạm khắc trên Cao đỉnh bằng đồng để ghi nhớ công ơn vua Gia Long.
"Trục nước ngọt" của Tứ giác Long Xuyên
Ngày nay, theo nhiều tài liệu, kênh Vĩnh Tế có chiều dài 87 km, rộng 30 m, nhưng trừ đoạn trũng tự nhiên hay sông Giang Thành có sẵn thì phần đào của kênh Vĩnh Tế là hơn 37 km. Ước tính 5 năm đào kênh, hơn 9 vạn dân binh được huy động với gần 3,5 triệu ngày công; hơn 2,8 triệu m³ đất đã được đào.
Nhắc đến kênh Vĩnh Tế, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị (thường gọi Bảy Nhị), quê xã Nhơn Hưng nằm bên sát bờ kênh, bồi hồi nói: "Đó là một kỳ tích của triều Nguyễn. Không chỉ về kinh tế, giao thương, tạo sinh kế cho người dân, kênh Vĩnh Tế còn là phòng tuyến đường thủy án ngữ dải biên giới Tây Nam, chứng kiến cuộc kháng chiến hào hùng của nhân dân vùng biên". Đặc biệt, sau năm 1975, công trình kỳ vĩ của triều Nguyễn lại góp công rất lớn vào công cuộc quan trọng khác, đó là khai thác Tứ giác Long Xuyên, chương trình do cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt khởi xướng năm 1988.
Ông Bảy Nhị kể: "Khi đó vai trò của kênh Vĩnh Tế lớn lắm. Dù nằm dọc biên giới nhưng là trục nước chính dẫn nước từ sông Mê Kông vào nội đồng phía Tây Nam. Nếu không có kênh Vĩnh Tế thì không thể khai thác Tứ giác Long Xuyên, không thể có vựa lúa miền Tây ngày nay".
Nhớ lại chuyện khai thác Tứ giác Long Xuyên, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang hồi tưởng: "Dù trong quy hoạch Bộ Thủy lợi có đề cập một số công trình thoát lũ biển Tây, nhưng vì không có tiền nên "đành bó tay". Đến năm 1996, nhân dịp Thủ tướng Võ Văn Kiệt về, An Giang mạnh dạn trình bày ý tưởng đào kênh từ Vĩnh Tế để thoát lũ đầu mùa từ Campuchia tràn về kết hợp dẫn nước ngọt vào sâu Tứ giác Long Xuyên".
Sau nhiều cân nhắc, tháng 7.1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định phóng tuyến kênh T5 - Tuần Thống (nay là kênh Võ Văn Kiệt). Chưa đầy 1 năm sau, kênh T5 hoàn thành, dài 36,7 km, đưa nước ngọt từ "kênh mẹ" Vĩnh Tế xuyên qua vùng Tứ giác Long Xuyên ra tới biển Tây. Nhờ đó, chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên sau 10 năm (1989 - 1999) thành công vang dội, sản lượng lúa của An Giang tăng từ 600.000 tấn lên 3 triệu tấn.
Cũng là người con của vùng Bảy Núi (An Giang), tuổi thơ gắn liền với kênh Vĩnh Tế, GS-TS Võ Tòng Xuân nhận định: "Có kênh Vĩnh Tế, ĐBSCL khỏi lo thiếu gạo ăn. Vì phía sông Hậu, kênh Vĩnh Tế dẫn nước ngọt từ Châu Đốc xuống tận Hà Tiên. Còn phía sông Tiền, kênh Trung Ương dẫn nước ngọt từ sông Tiền xuyên qua Đồng Tháp Mười đến Long An. Từ 2 trục nước này, hệ thống kênh thủy lợi đan xen gần như kiện toàn, tạo nên vựa lúa Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên, là vùng sản xuất lúa lớn nhất miền Tây".
Giờ đây, sau 200 năm hoàn thành, phù sa vẫn theo dòng kênh Vĩnh Tế miệt mài bồi đắp cho vựa lúa. Từ Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang) đến Giang Thành (Kiên Giang) đều dễ dàng nhận thấy nhịp sống sung túc của những đô thị sầm uất, những vùng nông thôn mới trải dọc biên giới. Trên những cánh đồng bạt ngàn, những lớp phù sa màu mỡ óng ánh bao phủ sẽ lại mang đến những mùa màng bội thu cho cư dân miền biên viễn Tây Nam.