Với tôi, đường Pasteur mang vẻ đẹp lãng mạn, trữ tình với lề đường rộng, 2 hàng cây cao vút tỏa bóng đan xen các tia nắng vàng chiếu xuống mặt đường. Con đường cũng sang trọng, cổ kính bởi các công trình kiến trúc đặc trưng của Pháp vẫn còn tồn tại, điển hình Viện Pasteur TP.HCM hơn 130 tuổi.
Pasteur là tuyến đường chuyên doanh áo dài của TP.HCM
ẢNH: UYỂN NHI
Nét duyên dáng giữa lòng phố thị
Dừng lại ở Viện Pasteur TP.HCM, chúng tôi ấn tượng với các nhà may ở phía đối diện. Mặt tiền của cửa hàng trưng bày nhiều mẫu áo dài với các thiết kế khác nhau, từ truyền thống đến hiện đại.
Chúng tôi gặp một người đàn ông có gương mặt hiền từ, mặc bộ áo quần thanh lịch đang mân mê tấm vải màu hồng. Bàn tay ông uyển chuyển, tỉ mỉ đo và vẽ từng nét phấn lên tấm vải.
Đó là ông Nguyễn Văn Toàn (77 tuổi, chủ tiệm Thanh Hà), ông là thế hệ đầu tiên trong gia đình có 3 đời giữ lửa nghề may áo dài. Ở đây, ông kể cho chúng tôi nghe về dòng chảy lịch sử của nghề may áo dài, một nghề mà ông đã gắn bó 61 năm qua.
Ông Toàn nhớ lại, vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong giới may áo dài, ai cũng biết đến “phù thủy đường cong” Sài Gòn - bà Nguyễn Thị Bắc, chủ nhà may Thiết Lập (ở đường Pasteur, Q.3, TP.HCM).
Bà Bắc là người đặt nền móng cho phố áo dài Pasteur. Thời đó, Thiết Lập là tiệm áo dài trứ danh với đội ngũ lên tới 50 thợ, trở thành một “hiện tượng” khi nhiều ca sĩ phòng trà, giới thượng lưu tìm đến với mong muốn khoác lên mình chiếc áo dài có “vòng eo con kiến”. Sau này, khi bà Bắc định cư ở nước ngoài, bà đã truyền lại nghề cho con cháu.
Tiệm của ông Toàn trở thành tiệm áo dài thứ 3 trên con phố này (sau Thiết Lập và Nha). Ban đầu ông may thuê cho các cửa hàng và bán ở Chợ Lớn. Đến năm 2000, với mong muốn “buôn có bạn, bán có phường” và nhận thấy đường Pasteur thu hút nhiều khách nước ngoài, lại là trung tâm thành phố nên ông quyết định chuyển qua đây để mở hiệu may.
Thời điểm đó, phố chỉ có khoảng 3 - 4 cửa hàng, nhưng theo năm tháng số lượng cửa hàng ngày càng tăng lên.
Gắn bó với tà áo dài hơn nửa thế kỷ, ông Toàn chia sẻ, những năm 1960 - 1970 áo dài được xem là chuẩn mực. Những chiếc áo dài có eo áo được chít chặt để nhấn mạnh đường cong "thắt đáy lưng ong" đầy gợi cảm là “thời thượng” và thống trị đường phố Sài Gòn.
Sau năm 1975, áo dài dần vắng bóng và không còn chiếm vị trí độc tôn; thay vào đó, người dân bắt đầu ưa chuộng may Âu phục.
Hơn 60 năm sống với… áo dài
Ông Toàn luôn linh hoạt thay đổi kiểu dáng áo dài để đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Nếu ở thế kỷ trước, người ta ưa chuộng áo dài tay raglan (phần tay được cắt nối từ cổ xuống dưới, giúp áo ôm sát hơn, giảm bớt nếp nhăn ở hai bên vai và nách - PV) với cổ cao truyền thống.
Thì hiện nay, khách hàng lại thích áo dài cách tân, với những biến tấu trong cách may như cổ áo khoét sâu, cổ lá sen, cổ tim, kèm theo các chi tiết đính đá, thêu hoa văn công phu..., nhằm đem lại nét mới mẻ nhưng vẫn giữ được vẻ dịu dàng, thanh lịch vốn có.
"Ngoài những mẫu do tôi thiết kế, tôi cũng may theo ý tưởng của khách hàng. Ví dụ, nếu khách muốn phá cách mẫu áo dài có vai như áo đầm, tôi cũng sẽ may theo yêu cầu. Mình phải luôn thay đổi, biến tấu mẫu mã để bắt kịp thời đại và xu hướng”, ông Toàn cho hay.
Hiện nay, khách hàng thích áo dài cách tân, với nhiều biến tấu trong cách may
ẢNH: UYỂN NHI - DU YÊN
Giá một chiếc áo dài tại cửa hàng của ông Toàn tùy thuộc vào chất liệu vải và kiểu dáng. Nếu vải thường, giá có thể dao động khoảng 1 triệu đồng. Còn các loại vải cao cấp như: lụa, ren, vải nhập khẩu…, giá đến vài chục triệu đồng.
Khi hỏi ông Toàn rằng, người mới như chúng tôi cần học bao lâu có thể may được chiếc áo dài hoàn chỉnh... Ông trầm ngâm một lúc rồi chắc mẩm: “Khó”, bởi ông quyết tin rằng không phải ai cũng có thể học trong “ngày một ngày hai”. Hơn 6 thập kỷ sống với nghề, ông cho rằng để may được một cái áo dài phải có nguyên tắc, học kỹ nghề và có niềm yêu thích.
“Quá trình học của mỗi người đều khác nhau, tùy thuộc vào đam mê và khả năng tiếp thu. Có những người chỉ mất vài tháng nhưng cũng có người phải mất đến vài năm mới thành thạo. Vì nghề may áo dài không chỉ đòi hỏi kỹ thuật mà còn là sự sáng tạo, tỉ mỉ và một tình yêu lớn với nó”, ông trần tình.
Kể về chiếc áo dài mà ông may đầu tiên trong đời, ông Toàn cười hiền: “Gia đình tôi không ai theo nghề này hết. Tôi là người thích mặc đẹp nên năm 16 tuổi tôi theo luôn nghề may. Chiếc áo dài đầu tiên tôi phải sửa đi sửa lại nhiều lần mới ra được hình dáng. Mặc dù không được hoàn hảo nhưng tôi vẫn tự hào và sung sướng lắm”.
Ông Toàn cho rằng giá trị thật sự của một chiếc áo dài là sự gửi gắm tâm huyết của người may và sự hạnh phúc của người mặc. “Làm nghề may áo dài truyền thống này, ra đường thấy người ta mặc đẹp là tôi đã thấy vui rồi”, ông cười hồn hậu.
Thời gian đã thay đổi nhiều điều, Sài Gòn cũng không còn nguyên vẻ tĩnh lặng ngày xưa, nhưng phố áo dài Pasteur vẫn kiên trì sống cùng nhịp đập hiện đại của thành phố. Theo lời kể của những “nghệ nhân” lâu năm ở đây, áo dài may thủ công hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự cạnh tranh từ các sản phẩm sản xuất hàng loạt, giá rẻ và tiện lợi.
Trong lòng phố xá hiện đại, giữa những tòa nhà cao tầng và nhịp sống tất bật, vẫn có một phố áo dài lưu giữ trọn vẹn nét đẹp dân tộc. Không ít bạn trẻ, cũng như người nước ngoài đã đến phố áo dài Pasteur để tìm một chút hoài niệm và nét đẹp độc đáo không nơi nào có được.
Khi đến đây, ngắm nhìn những tà áo dài thướt tha, duyên dáng mà thanh lịch, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy được hồi ức của những năm tháng đã qua.
Để tìm hiểu về lịch sử đường Pasteur, tôi lật giở cuốn sách Sài Gòn đẹp xưa. Tác giả Phạm Công Luận viết: "Thật khó hình dung con đường này, vốn lộ giới chỉ khoảng 20 - 25 mét, thời Pháp thuộc thực chất là hai con đường chạy dọc hai bên một con rạch nước chảy, có lẽ đổ ra rạch Nhiêu Lộc, đều mang số 24".
Năm 1865, 2 nhánh của con đường này có tên riêng: đường bên trái tên Olivier còn đường bên phải là Pellerin. Sau đó, con rạch được lấp đi và 2 đường nhập lại thành một, mang tên Pellerin.
Đến năm 1955, đường được đổi thành tên Pasteur. Tháng 8.1975, đường có tên Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng đến năm 1991, tên Pasteur được khôi phục. Con đường dài chừng 2,5 km, chạy dài từ Võ Văn Kiệt (Q.1) đến Trần Quốc Toản (Q.3).