Duy trì 4 sở, ngành
Cụ thể, đối với các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh, tiếp tục duy trì 4 sở, ngành nhưng có sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gồm Sở VH-TT-DL, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh.
Thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất Sở KH-ĐT và Sở Tài chính (tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở trước khi hợp nhất), tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính.
Hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng, tên sở sau sắp xếp dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông.
Hợp nhất Sở TN-MT và Sở NN-PTNT với tên gọi Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Hợp nhất Sở TT-TT và Sở KH-CN, tên gọi dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Sở LĐ-TB-XH hợp nhất với Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ và Lao động; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở GD-ĐT; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế; chuyển chức năng, nhiệm vụ về giảm nghèo về Ban Dân tộc tỉnh.
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh; chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam về Sở Kinh tế - Tài chính (sau khi hợp nhất).
Giảm 6 sở, ngành
Kế hoạch định hướng sắp xếp cũng tổ chức lại Sở Y tế trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đồng thời, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB-XH chuyển sang. Tiếp nhận các chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy liên quan đến quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ các Sở NN-PTNT và Sở Công thương chuyển sang.
Tổ chức lại Sở GD-ĐT trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB-XH.
Tổ chức lại Ban Dân tộc thành Ban Dân tộc - Tôn giáo trên cơ sở kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về công tác tôn giáo từ Sở Nội vụ, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐ-TB-XH.
Tổ chức lại Sở Công thương do tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương.
Sau sắp xếp, hợp nhất, tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh Quảng Nam còn lại 13 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính (giảm 6 sở, ngành).
Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh thì hợp nhất Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh. Tên gọi mới dự kiến là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh.
Tạm thời giữ ổn định (nhưng có sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong) và nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp trong thời gian tới đối với Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam, Trường cao đẳng Quảng Nam, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Ban Quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, Trường đại học Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc sắp xếp, hợp nhất các sở ngành là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Vì vậy, cần sự thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ngoài ra, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động thực hiện với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện…