Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 7.1, người dân địa phương phát hiện "tàu lạ" không có người lái dạt vào bờ biển ở thôn 5 (xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị), nên trình báo Đồn biên phòng Triệu Vân.
Tiếp nhận thông tin, Đồn biên phòng Triệu Vân đã đến hiện trường kiểm tra. Chiếc tàu có chất liệu bằng nhựa tổng hợp, dài khoảng 15 m, rộng 6 m, cao 6 m. Trên tàu không có người, chỉ có một số vật dụng in chữ nước ngoài. Phía mạn phải tàu bị lủng dài khoảng 4 m, rộng 25 cm, các khoang tàu nước đã vào. Đồn biên phòng Triệu Vân phối hợp chính quyền xã lập biên bản; phối hợp lực lượng công an, quân sự xã bảo vệ hiện trường, hoàn chỉnh các thủ tục ban đầu để báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý.
Trước đó, tối 12.11.2023, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cũng phối hợp ngư dân lai dắt một tàu sắt không người lái vào cảng Cửa Việt (H.Gio Linh) để phục vụ điều tra, xác minh. Đây là tàu sắt được ngư dân ở xã Hải Khê (H.Hải Lăng) khi đi đánh cá phát hiện ở khu vực cách bờ khoảng 5 hải lý và báo cho lực lượng chức năng.
Sau đó, tàu cá của ngư dân này cùng lực lượng biên phòng Quảng Trị lai dắt "tàu lạ" vào cảng Cửa Việt. Tàu màu xanh đen, lúc ngư dân phát hiện trên tàu không có người, không có máy tàu, hệ thống lái và ngư cụ; trong buồng lái có một số vật dụng sinh hoạt cá nhân đã cũ (quần áo, bàn chải đánh răng...). Đồng thời, không có các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, lai lịch con tàu và chủ sở hữu; chưa phát hiện dấu hiệu tội phạm.
Xa hơn nữa, tháng 12.2022, ngư dân H.Triệu Phong và H.Hải Lăng (Quảng Trị) cũng phát hiện 2 tàu không người lái, trôi dạt vào bờ biển, gồm một tàu sắt dài 36,5 m và tàu gỗ dài 18 m. Hiện tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt phương án bán đấu giá tài sản đối với một số tàu trôi dạt.
Không những "tàu lạ" mà "lồng, bè lạ" cũng dạt vào bờ biển Quảng Trị. Cụ thể, Đồn biên phòng Cửa Tùng (Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) cho biết hiện vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan bảo vệ hiện trường, hoàn chỉnh các thủ tục ban đầu để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý 1 lồng bè chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ vừa trôi dạt vào bờ biển H.Vĩnh Linh.
Cụ thể, khoảng 9 giờ sáng 7.1, người dân phát hiện lồng bè nói trên trôi dạt vào bờ biển Mũi Trèo (thôn Xuân, xã Kim Thạch, H.Vĩnh Linh). Nhận được tin báo, lực lượng thuộc Đồn biên phòng Cửa Tùng phối hợp với công an và quân sự xã Kim Thạch bảo vệ hiện trường, hoàn chỉnh các thủ tục ban đầu để báo cáo các cấp có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý đối với lồng bè kể trên. Kiểm tra ban đầu, lồng bè làm từ kim loại, có hình vuông, cạnh dài khoảng 26 m.
Đây cũng không phải lần đầu tiên lồng bè không rõ nguồn gốc trôi vào vùng biển Quảng Trị. Trước đó, sáng 4.1, người dân cũng phát hiện 1 lồng bè chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ trôi dạt vào bờ biển thôn Tân Hòa (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh). Kiểm tra ban đầu, lồng bè này có hình tròn, đường kính khoảng 30 m.
"Do dòng hải lưu mùa này chảy từ bắc xuống nam"
Đại tá Lê Văn Phương cho biết, khoảng 2 năm trở lại đây có khoảng 5 chiếc "tàu lạ" trôi dạt vào bờ biển Quảng Trị được phát hiện và báo cáo. "Những chiếc tàu kiểu này không chỉ dạt vào bờ biển Quảng Trị mà cũng ghi nhận ở các tỉnh vùng biển duyên hải miền Trung như Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên… cũng có tình trạng này. Có nơi ghi nhận tàu cả ngàn tấn, chứ không phải tàu nhỏ như ở Quảng Trị", đại tá Phương nói.
Cũng theo đại tá Phương, quy trình khi phát hiện "tàu lạ", lực lượng biên phòng sẽ điều tra xác minh xem có vấn đề gì liên quan đến an ninh quốc gia, hoặc các vấn đề hình sự trên biển hay không. Nếu không thì biên phòng sẽ chuyển giao cho Cảng vụ hàng hải, Sở Ngoại vụ… thông báo tìm chủ sở hữu. Nếu không ai đến nhận thì tính đến các phương án tiếp sau. Nếu tàu còn giá trị thì lập hội đồng thẩm định rồi bán, sung công quỹ Nhà nước, còn nếu tàu không có giá trị gì nữa thì tiêu hủy…
"Các tàu này chắc bên nước họ trong quá trình neo đậu bị đứt neo rồi bị trôi đi hoặc do chính các chủ tàu họ… bỏ vì cũ. Chúng theo con nước trôi về bờ biển Quảng Trị. Đến nay, chưa có trường hợp nào chúng tôi ghi nhận phát sinh các vấn đề an ninh, quốc phòng", đại tá Phương khẳng định.
Ông Cao Tiến Dũng, thuyền trưởng tàu Cồn Cỏ 01 (tàu công vụ chở cán bộ và hành khách vào ra đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị), có kinh nghiệm gần 30 năm lái tàu biển, cũng đồng quan điểm với đại tá Phương về việc các con tàu bị đứt neo hoặc bị… bỏ đi, sau đó trôi dạt trên biển.
Trước câu hỏi vì sao, tàu hay dạt về vùng biển miền Trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, ông Dũng nhận định: "Các tàu lạ đều có nhiều dấu hiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong khi, gió và dòng hải lưu mùa này đều có hướng từ bắc về nam. Dòng hải lưu, xuôi về phía nam, nên các tàu lạ, không người lái, cứ thế mà trôi về và tấp vào bờ".