Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức, cho biết tính từ khi trung tâm thành lập (ngày 10.11.2023) đến ngày 15.8, UBND TP.Thủ Đức tiếp nhận 20.798 hồ sơ hành chính; trong đó gần 71% hồ sơ nhận trực tuyến và hơn 29% nhận trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
Trung tâm có chức năng tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ trực tiếp hoặc chuyển hồ sơ đến các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND TP.Thủ Đức giải quyết và nhận kết quả để trả cho cá nhân, tổ chức.
Hầu hết thủ tục hành chính được tập trung tại bộ phận một cửa của trung tâm nên việc tiếp nhận và trả kết quả tạo rất nhiều thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến liên hệ các thủ tục hành chính. Đặc biệt, trung tâm cũng được giao một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP.Thủ Đức ủy quyền, giúp giảm khâu trung gian, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
"Có thể nói đây là đòn bẩy quan trọng mở ra cho TP.Thủ Đức nhiều thẩm quyền tự chủ trong quản lý vận hành và là cơ sở pháp lý quan trọng để TP.Thủ Đức tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị", bà Cúc nói.
Dù vậy, bà Cúc cũng cho biết, một số thủ tục hành chính, hồ sơ của các phòng, ban chuyên môn chưa thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm hành chính công. Người dân vẫn phải nộp hồ sơ trực tiếp tại phòng chuyên môn, như nộp hồ sơ phê duyệt/điều chỉnh quy hoạch 1/500, 1/2000, mẫu nhà cho Phòng Quy hoạch - Xây dựng, nộp hồ sơ phê duyệt/điều chỉnh dự án đầu tư cho Phòng Kinh tế - Kế hoạch và đầu tư...
Từ năm 2025, các sở không còn bộ phận một cửa
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức là một mô hình mới, có tính sáng tạo nhằm phục vụ người dân một cách tốt nhất. Mặc dù, trung tâm mới hoạt động khoảng 10 tháng nhưng về cơ bản đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà UBND TP.Thủ Đức giao.
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan thông tin, mới đây, Thủ tướng đã giao TP.Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương xây dựng mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Theo đó, các sở trực thuộc UBND TP.HCM sẽ không còn bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính như hiện nay.
Đặc biệt, ông Hoan cho hay, người dân có thể nộp hồ sơ tại tất cả các điểm trên địa bàn TP.HCM mà không bị lệ thuộc vào một điểm duy nhất. "Về nguyên tắc, người dân ở đâu thì nộp hồ sơ ở đó là tốt nhất. Tuy nhiên, những trường hợp đặc biệt, nếu người dân không thể về địa phương để làm thủ tục thì có thể gửi hồ sơ tại điểm thuận tiện nhất để giải quyết", ông Hoan nói.
Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công tại TP.HCM sẽ có 1 trung tâm chính, 22 chi nhánh cấp quận huyện và 312 điểm tiếp nhận ở phường, xã, thị trấn. Tất cả các điểm đều có nhân viên tiếp nhận, trang bị máy móc hiện đại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý.
Từ thành công bước đầu của mô hình Trung tâm hành chính công TP.Thủ Đức, ông Hoan cho rằng, sẽ nghiên cứu mở rộng ra các địa phương khác. Đặc biệt, TP.HCM sẽ nghiên cứu mở rộng phân cấp, ủy quyền một số chức năng, thẩm quyền của UBND TP.HCM và chủ tịch UBND TP.HCM cho trung tâm phục vụ hành chính công và các sở để giảm tải công việc.