Trong số đó, đã giao 570 trường hợp (409 nam, 161 nữ) về cho gia đình, địa phương quản lý (do xác định rõ nơi cư trú hiện tại); lập hồ sơ 2.353 trường hợp đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội (có 368 trường hợp thuộc diện tâm thần lang thang); phối hợp với cơ sở y tế để điều trị 4 trường hợp nhiễm HIV, 1.429 trường hợp còn lại lập hồ sơ theo quy định diện khác nằm ngoài Quyết định 812.
Ngoài ra, TP.HCM cũng lập hồ sơ đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội 220 trường hợp người có quốc tịch nước ngoài lang thang xin ăn và đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác xác minh, bàn giao cho nước sở tại đảm bảo an toàn, theo quy định.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã bố trí 16 cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận, sàng lọc và phân loại đối tượng, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng.
Theo đơn vị, con số 2.353 người lang thang xin ăn được đưa vào cơ sở xã hội tăng 49% so với cùng kỳ (1.578 người). Trong đó, có 145 trẻ em (chiếm 6%), 336 người cao tuổi (14%), 96 người khuyết tật (4%), 92 hộ gia đình, lang thang xin ăn (4%), 368 người bệnh tâm thần (16%), 37 người trợ giúp khẩn cấp (2%), 1.059 người trong độ tuổi lao động (từ đủ 16 - 60 tuổi) lang thang xin ăn (chiếm 45%) và 220 người diện khác (9%).
Qua 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 812, giám đốc các cơ sở trợ giúp xã hội đã ban hành 1.092 quyết định dừng trợ giúp xã hội để bàn giao các diện về cho gia đình, cộng đồng tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng, chiếm tỷ lệ 46% so với số tiếp nhận.
Khỏe mạnh thì phải làm việc !
Đó là quan điểm của nhiều bạn đọc khi được biết có hơn 1.000 người lang thang xin ăn ở TP.HCM nằm trong độ tuổi lao động. Bạn đọc (BĐ) Tiến Minh bày tỏ: "Đã là người trưởng thành, khỏe mạnh thì ai cũng phải làm việc để tự nuôi bản thân mình và giúp đỡ người khác. Đó là phải lẽ ở đời! Không thể chấp nhận người khỏe mạnh, trong độ tuổi lao động lại biếng nhác, không chịu làm việc, mà đi xin ăn. Người như thế coi không được!".
Cùng quan điểm, BĐ N.V.Hùng nói thêm: "Thiếu gì việc để làm, chỉ là mình có dám chịu cực, chịu khó hay không mà thôi. Nếu chẳng may sa cơ thất thế thì không nói, còn khỏe mạnh mà biếng nhác, cứ ngửa tay ra xin tiền thì nhục lắm! Tiền nào thì cũng phải đổ mồ hôi ra làm mới có. Mình không làm mà nhận lấy đồng tiền ấy thì nghĩ làm sao?".
BĐ Thi Phuoc Truong cũng bức xúc: "Có người lười thì ăn xin, làm 1 thì xài 10. Nếu trong gia đình ai cũng chịu khó, đùm bọc lẫn nhau thì có thể vượt qua khó khăn".
Tạo việc làm, môi trường lao động phù hợp
Góp ý về việc để tình trạng người lang thang xin ăn, BĐ Nga Phan đề xuất: "Một thành phố phồn hoa, văn minh không nên để người cơ nhỡ lang thang xin ăn ở đầu đường xó chợ, mất mỹ quan lắm! Thành phố cần có giải pháp để tất cả mọi người đều có công việc ổn định, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình an".
BĐ Trịnh Viết Quân ý kiến: "Thành phố có thể liên hệ với các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã để tuyển dụng, đào tạo họ thành công nhân viên. Những ai không thể lao động thì giao cho ngành LĐ-TB-XH đưa vào diện cứu trợ xã hội".
BĐ Hoang Hac góp ý: "TP.HCM kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người xin ăn, không phát quà từ thiện ngoài đường. Mọi người hãy làm theo. Số tiền thay vì cho người ăn xin thì dành cho các trung tâm, cơ sở trợ giúp xã hội. Những người khó khăn thì cứ đến các nơi đó để được giúp đỡ học nghề, làm việc... để tự nuôi sống mình. Còn cứ cho tiền ăn xin như nhiều người hiện nay làm thì cho bao nhiêu mới đủ và cho đến bao giờ mới dứt? Và cứ càng cho thì càng có nhiều người lang thang ăn xin, thử nghĩ mà xem?".
"Tôi thấy các ngành chức năng ở thành phố đã làm được nhiều việc và cần làm nhiều hơn thế nữa. Mấu chốt theo tôi vẫn là tạo thêm công ăn việc làm cho những đối tượng này, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục để họ biết nghĩa vụ phải làm việc, và tạo môi trường phù hợp để họ không mặc cảm, tự ti", BĐ Quoc Binh đề nghị.
TP.HCM nên thành lập thêm các trung tâm xã hội gom đối tượng lang thang cơ nhỡ nuôi dưỡng và kết hợp dạy nghề bắt buộc.
Nguyễn Văn Thủy
Khỏe mạnh, lười làm mà muốn có ăn nên đi ăn xin cho khỏe. Mọi người không nên cho tiền vì những người này không xứng đáng để được thương hại.
Duong Nguyen