Là một người trẻ thuộc thế hệ Gen Z, chị Nghiệp (22 tuổi, ở TP.HCM, nhân viên marketing của một công ty bất động sản) nói, khi mới bắt đầu làm ở môi trường công sở, chị cũng thấy chán nản và muốn nghỉ việc khi sếp và chị không có tiếng nói chung. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian làm việc lâu dài, chị cũng kết nối được với lãnh đạo của mình, cùng phối hợp để tạo ra các sản phẩm ăn ý. Tính đến nay, chị đã gắn bó với công ty được 3 năm.
Chị Nghiệp chia sẻ, thế hệ trẻ sinh ra trong thời đại công nghệ số phát triển, được tiếp xúc với internet từ nhỏ nên đôi khi phong cách làm việc, cá tính của nhân viên trẻ và sếp thường không giống nhau.
Sự khác biệt về kiến thức cũng khiến nhiều nhân sự cho rằng sếp kém cỏi. Khi đi làm, công ty sẽ có nhiều mảng và chia việc cho từng nhân sự. Mỗi nhân viên sẽ đảm nhận một lĩnh vực, chuyên môn khác nhau. Nên đôi khi sếp của chúng ta có thể không nắm vững chi tiết về công việc của từng thành viên trong đội.
“Sếp giỏi là biết quản lý con người, sắp xếp công việc cho các nhân sự; đưa ra các phương án để giải quyết công việc. Sếp là người giải quyết những bài toán lăn tăn trong đầu mình và định hướng cho mình. Chứ sếp không phải là người cầm tay chỉ việc. Mình có thể không “phục” ở một số chỗ chứ không định nghĩa sếp dở tất cả mọi thứ. Nhiều người giỏi chuyên môn nhưng chưa chắc làm sếp được", chị Nghiệp nói.
Biến thách thức thành cơ hội
Nhân viên trẻ giỏi tiếp thu cái mới; sáng tạo và nhanh nhạy nhưng thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế. Khi sếp không am hiểu sâu về công việc, chúng ta có cơ hội khẳng định bản thân. Thể hiện kiến thức, năng lực và kinh nghiệm. “Hãy biến thách thức thành cơ hội. Đó là dịp để chúng ta chủ động đóng góp ý kiến, đưa ra những giải pháp sáng tạo, mới mẻ trong công việc", chị Nghiệp nói.
Đồng quan điểm với chị Nghiệp, chị Trúc Linh (22 tuổi, ở TP.HCM) cho rằng, khi làm việc trong môi trường chưa thực sự lý tưởng thì người trẻ - người mới gia nhập thị trường lao động có cơ hội để học hỏi, thử thách bản thân để tự tin hơn trong công việc, từ đó có các bước thăng tiến trong tương lai. Ngoài ra, khi làm việc với sếp không giỏi chuyên môn trong lĩnh vực của mình thì sẽ giúp chúng ta rèn kỹ năng sáng tạo, giao tiếp và phản biện.
Chị Linh nói thêm, thay vì chọn phương án nghỉ việc, thì nhân viên nên tìm cơ hội thích hợp để trao đổi thẳng thắn với sếp về những khó khăn mà mình đang gặp phải. Đề xuất những giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình. Cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp để tạo ra môi trường làm việc thoải mái, tích cực và hiệu quả.
Chị Hằng (40 tuổi, ở TP.HCM, là lãnh đạo nhóm truyền thông của một công ty về các mặt hàng thời trang), nói: “Để giữ chân người lao động. Cấp trên cần đầu tư và phát triển nhân viên; xây dựng môi trường làm việc thân thiện để tạo điều kiện cho nhân sự được bày tỏ ý kiến. Tổ chức các khóa học đào tạo để giúp nhân viên và cấp trên nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, công ty cần chọn người lãnh đạo có năng lực và kinh nghiệm để dẫn dắt đội ngũ".
Tuy nhiên, nhân viên có thể cân nhắc nghỉ việc nếu sếp không có kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm dẫn dắt đội ngũ. Môi trường làm việc không thoải mái, đồng nghiệp độc hại và không cho chúng ta cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp…
Việc sếp không có chuyên môn không phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp của bạn. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách tích cực, biến thách thức thành cơ hội để phát triển bản thân. Đôi khi, việc ở lại và vượt qua những khó khăn sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và có nhiều kinh nghiệm quý báu.