Nhớ những ngày sau hòa bình năm 1975, từ chiến trường ra an dưỡng ở Hải Dương, tôi đã đạp xe xuống thăm Hải Phòng dù chưa quen ai ở đó. Buổi chiều đạp xe trong phố, tôi thấy những người công nhân vừa rời ca sản xuất, họ cởi trần đi trên phố tới với các điểm bán bia hơi. Tôi quá ấn tượng với những cư dân Hải Phòng cởi trần đi trên phố, mà theo tôi, chỉ Hải Phòng mới có cảnh này.
Đó cũng là một tính cách của người lao động Hải Phòng. Cũng như chọn hoa phượng là loài hoa đẹp mãnh liệt làm biểu tượng cho thành phố. "Hoa phượng ném giữa trời xanh từng vốc lửa" (thơ Thanh Thảo) phù hợp vô cùng với Hải Phòng mạnh mẽ và chói sáng.
Với một người làm thơ như tôi, những ấn tượng đầu tiên in đậm trong lòng mình như thế, thật không thể quên. Sau này tôi cũng có mấy lần xuống Hải Phòng thăm chơi, nhưng một lần gặp Hải Phòng mới hồi tháng 10.2023 lại khiến tôi kinh ngạc. Đó là dịp tôi được dự cuộc gặp gỡ những nhà văn lão thành cả nước tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ngày kết thúc cuộc gặp gỡ, tôi được vợ chồng em Ngọc Anh, một dân Hải Phòng gốc vừa rời nhà máy lọc dầu Dung Quất về quê nhà Hải Phòng nghỉ hưu, đón bố con tôi và nhà văn Thái Bá Lợi đi một vòng Hải Phòng cho biết toàn cảnh thành phố, trước khi ăn trưa.
Đi như thế mới thấy Hải Phòng bây giờ như thế nào. Một thành phố tuyệt đẹp mà tôi và anh Thái Bá Lợi trầm trồ với nhau, là "đẹp hơn cả Đà Nẵng". Anh Lợi là người sống ở Đà Nẵng mấy chục năm nay, khi nhận xét về Hải Phòng như vậy, tôi tin ngay.
Quanh hồ Tam Bạc đã là một công viên cây xanh lớn và thật đẹp. Buổi sáng, người Hải Phòng đi bộ tập thể dục quanh công viên, không khí trong sạch mát mẻ. Nghe nói, thời anh Trần Lưu Quang làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, buổi sáng anh cũng đi bộ quanh công viên này, và vui vẻ gặp gỡ chuyện trò thân mật với cư dân Hải Phòng, khiến bà con Hải Phòng rất thích thú.
Họ nói, đó là một bí thư rất gần dân, dù anh Quang là dân Tây Ninh được bổ nhiệm ra làm Bí thư Hải Phòng. Tình cảm ấy của người Hải Phòng với người lãnh đạo của mình là rất chân thành. Đó cũng là tính cách người Hải Phòng.
Nếu thời chiến tranh chống Mỹ, Hải Phòng đã căng mình đọ sức với không quân Mỹ, phá vỡ những hàng rào phong tỏa bằng thủy lôi của Mỹ để đón tàu thủy chở vũ khí và lương thực tiếp tế cho miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, cũng là nơi xuất phát những đoàn "tàu không số" chở vũ khí vào chiến trường miền Nam dọc hải trình được mệnh danh là "Đường Hồ Chí Minh trên biển Đông", chúng ta mới thấy Hải Phòng đã phải chịu đựng như thế nào, vượt qua thử thách ghê gớm ra sao, để sau hòa bình, vẫn còn lại một Hải Phòng đầy vết thương nhưng vẫn sống mãnh liệt.
Trước khi rời Hải Phòng hồi năm ngoái, vợ chồng em Ngọc Anh đã mua biếu chúng tôi "món quà ăn được", ăn rất ngon của Hải Phòng. Đó là "Pa-tê Cột Đèn", tên khá lạ. Cả một con phố nhỏ nổi lên hàng chục quán bán một mặt hàng duy nhất là "Pa-tê Cột Đèn", đủ biết món ăn này đã có thương hiệu lớn như thế nào.
Sau đó, khi chúng tôi vào TP.HCM, hỏi bạn bè thì rất nhiều người biết và đã từng ăn món "Pa-tê Cột Đèn" này của Hải Phòng. Một món ăn có tên mộc mạc như thế mà được cả nước biết tiếng và biết miếng thì thật đáng nể. Mời các bạn trong cả nước khi đi du lịch Hải Phòng nhớ ghé mua "Pa-tê Cột Đèn" về làm quà nhé.
Những thành phố trong nước, mỗi thành phố một vẻ, nhưng đã là thành phố cảng biển thì đều có những nét tương đồng. Hải Phòng và Đà Nẵng đúng là hai anh em, vì có nhiều nét giống nhau. Câu thơ "Hoa phượng ném giữa trời xanh từng vốc lửa" của tôi là viết về Đà Nẵng, nhưng rất phù hợp với Hải Phòng.
Ngày chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hải Phòng đã nổi lên vì có một "Trường Thơ Hải Phòng" khá đặc biệt. Những người làm thơ ở miền Bắc thời ấy đều biết những nhà thơ Hải Phòng, vì thơ họ có những nét rất riêng. Dĩ nhiên, chủ soái của Trường Thơ Hải Phòng vẫn là Văn Cao, dù thời ấy Văn Cao không còn ở Hải Phòng.
Nhưng sẽ rất thiếu sót nếu chúng ta nói về Hải Phòng mà quên ca khúc làm nên thương hiệu âm nhạc của thành phố biển này. Đó là bài hát Thành phố hoa phượng đỏ - lời thơ của Hải Như, âm nhạc của Lương Vĩnh: "Tháng 5 rợp trời hoa phượng đỏ. Ơi Hải Phòng thành phố quê hương. Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất. Những hẹn hò bên bờ sông Lấp. Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm…".
Chính từ bài hát này mà Hải Phòng đã chính thức mang danh Thành phố hoa phượng đỏ. Đóng góp của thơ và âm nhạc cho Hải Phòng như thế thật đáng tự hào.
Hải Phòng là thành phố ven biển, nằm ở vùng Đông Bắc đồng bằng sông Hồng. Tổng diện tích của thành phố Hải Phòng là 1.519 km2 bao gồm cả huyện đảo (Cát Hải và Bạch Long Vĩ).
Hải Phòng ngày nay bao gồm 15 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 7 quận (Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh), 8 huyện (An Dương, An Lão, Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên, Vĩnh Bảo), với 217 đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn.
Dân số của Hải Phòng hơn 2 triệu người; mật độ dân số bình quân là 1.315 người/km2. Dân số khu vực thành thị là 932.547 người, chiếm 45,9%; nam chiếm 49,45% và nữ chiếm 50,55% dân số.