Cụ thể, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Đặng Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND TT.Lai Uyên; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ông Phạm Văn Thắng, nguyên Chủ tịch UBND TT.Lai Uyên và ông Phan Ngọc Trương, công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường TT.Lai Uyên; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Phòng Quản lý đô thị H.Bàu Bàng.
Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Hồng Phương (52 tuổi, ngụ TP.HCM) với PV Thanh Niên, vào năm 2008 bà có mua 1.739 m2 (thửa đất số 6, tờ bản đồ số 24) thuộc xã Lai Uyên, H.Bến Cát (nay là TT.Lai Uyên, H.Bàu Bàng, Bình Dương). Thời điểm giao dịch, người bán để lại con đường rộng 2 m, dài 94 m, từ đường Lai Uyên 59 hiện nay đến khu đất.
Đến năm 2008, giữa bên bán và những người liên quan với bà Phương phát sinh tranh chấp con đường và được TAND tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm (năm 2011), tuyên y án sơ thẩm buộc bên bán phải để con đường cho bà Phương đi lại.
Năm 2011, Chi cục Thi hành án dân sự Bến Cát thực hiện xong bản án của TAND tỉnh Bình Dương, giao con đường (2 m x 94 m) cho bà Phương đi lại và thời điểm này bà Phương cũng mua thêm (đất của người bên cạnh) 3 m, dài 93,4 m để hợp thành con đường rộng 5 m.
Sau khi bỏ tiền để tôn tạo con đường đất thành đường trải đá dăm, vì hoàn cảnh gia đình nên bà Phương phải đi làm ăn xa.
Đến năm 2017, bà Phương quay lại để làm thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin trên sổ đỏ thì phát hiện xung quanh có 3 căn nhà đã mọc lên, trong đó có 1 căn được xác định nằm trên đất của mình.
Đáng chú ý, vào năm 2020, Phòng Quản lý đô thị H.Bàu Bàng có lệnh khởi công nâng cấp đường Lai Uyên 59 thành bê tông xi măng, trong đó có nhánh 2 làn đường trải đá dăm và kéo dài thêm khoảng 36 m trên đất của bà Phương mà chủ đất không hề được biết.
Sau khi bị lấy đất và đường của mình để làm đường do Nhà nước quản lý mà không có bất kỳ quyết định thu hồi hay thương lượng, vận động nào khiến bà Phương bức xúc làm đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan chức năng ở Bình Dương.
Yêu cầu chính quyền phải xin lỗi và bồi thường
Ngày 27.6, UBND tỉnh Bình Dương có thông báo kết luận liên quan đến những khiếu nại, tố cáo của bà Phương. Trong 4 nội dung tố cáo, UBND tỉnh Bình Dương xác định có 3 nội dung tố cáo đúng.
Cụ thể, UBND tỉnh Bình Dương kết luận, việc UBND TT.Lai Uyên xác nhận vào biên bản khảo sát hiện trạng ngày 13.12.2017, thửa đất số 6, tờ bản đồ số 24 của bà Phương tiếp giáp đường đất cụt 5 m, được hình thành từ năm 2008, có nguồn gốc do dân tự đầu tư là không đúng với nguồn gốc hình thành.
Việc UBND H.Bến Cát (nay là TP.Bến Cát) cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà L.T.M.X thể hiện đường đất cụt 5 m tại cạnh hướng tây của thửa đất có chiều dài tăng 11 m là không đúng quy định và không phù hợp theo nội dung biên bản thi hành án ngày 18.5.2011, dẫn đến việc bà X. thực hiện thủ tục tách thửa để chuyển nhượng và phân chia tài sản chung tại thời điểm năm 2016.
Việc UBND TT.Lai Uyên và ông Đặng Văn Tuấn (Phó chủ tịch TT.Lai Uyên) để người dân và đơn vị thi công tự ý đổ bê tông làm đường (đoạn 9,67 m) trên đất bà Phương đã được cấp giấy chứng nhận và đề xuất đầu tư công trình đường trên đất của bà Phương khi chưa có ý kiến của chủ đất là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phương cho rằng trong suốt quá trình lấy đất làm đường, chính quyền địa phương đã "bỏ quên" phán quyết của TAND tỉnh Bình Dương và biên bản thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự Bến Cát thể hiện con đường đã được hình thành và ngay trong cả biên bản thi hành án từ năm 2011.
Ngoài ra, từ năm 2019, bà Phương làm đơn xin được cập nhật con đường vào sổ đỏ nhưng không được chính quyền và cơ quan chức năng H.Bàu Bàng giải quyết. Trong khi đó những lô đất và những người mua đất sau bà Phương ở trên cùng con đường này lại được cấp sổ, thể hiện đường đi trên sổ đất.
Do đó, bà Phương yêu cầu cơ quan chức năng H.Bàu Bàng (có liên quan vụ việc), UBND TT.Lai Uyên chính thức xin lỗi và bồi thường khi lấy đất của bà để làm đường.