Số liệu thống kê báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy, nhiều năm qua, Suzuki chỉ xếp nửa dưới trong nhóm các thương hiệu xe phổ thông phân phối tại Việt Nam với đóng góp doanh số không đáng kể.
Năm 2023 vừa qua, liên doanh xe Nhật Bản chỉ bán ra thị trường tổng cộng khoảng 13.300 xe, chiếm chưa đến 4% doanh số của toàn thị trường . Đáng chú ý, nếu xét riêng ở nhóm xe du lịch, kết quả bán xe của Suzuki còn kém khả quan hơn, khi chỉ đạt khoảng 4.000 xe cho tất cả 5 mẫu mã. Con số này kém xa nhiều thương hiệu xe phổ thông khác trên thị trường.
Bước sang năm 2024, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô trong nước phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do kinh tế suy thoái và sức mua sụt giảm mạnh, các dòng xe Suzuki càng chứng kiến cảnh "lao dốc không phanh" về doanh số. Cụ thể, khép lại 7 tháng đầu năm, tổng lượng xe các loại Suzuki Việt Nam bàn giao đến tay khách mua mới chỉ đạt 6.736 xe. Trong đó, xe du lịch chỉ đóng góp hơn 3.400 xe.
Đáng chú ý, xét riêng trong tháng 7 vừa qua, mảng xe du lịch của Suzuki chỉ bán ra tổng cộng chưa tới 100 xe (93 xe). Cụ thể, Ertiga Hybrid đạt doanh số 19 xe, Ciaz không bán nổi dù chỉ 1 xe, Swift ghi nhận doanh số vỏn vẹn 8 xe, XL7 20 xe và Jimny 46 xe. Nếu lấy kết quả này chia đều cho 5 mẫu mã đang phân phối, trung bình mỗi mẫu xe thương hiệu Nhật bán ra chưa tới 20 xe. Và không ngạc nhiên khi cả dải sản phẩm của Suzuki đều xuất hiện trong danh sách 10 mẫu xe bán kém nhất tháng qua tại thị trường ô tô Việt Nam.
Vì sao xe Suzuki "ế khách"?
Việc nhiều mẫu xe Suzuki xuất hiện trong tốp xe "ế" tại Việt Nam đã không còn là chuyện quá bất ngờ. Thậm chí, với những ai thường xuyên theo dõi thị trường, những cái tên như Ciaz, Swift hay thậm chí cả Ertiga đều đã quá "quen mặt".
Nhiều chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, các dòng xe du lịch Suzuki được đánh giá cao ở độ bền, khả năng tiết kiệm nhiên liệu cùng mức giá "phải chăng". Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất lại nằm kiểu dáng thiết kế, trang bị và cả sự hạn chế về tùy chọn.
Trước hết xét về kiểu dáng và trang bị. Có một thực tế khó phủ nhận là hầu hết mẫu xe du lịch của Suzuki hiện tại không nhận được phản hồi tốt từ người dùng Việt. Lấy ví dụ trường hợp của Ertiga. Khi đặt lên bàn cân so sánh với những đối thủ trực tiếp như Mitsubishi Xpander hay Toyota Veloz Cross mới, dễ thấy mẫu xe nhà Suzuki kém thu hút hơn hẳn. Trong khi Xpander hay Veloz Cross được đổi mới thiết kế với phong cách cắt xẻ thể thao, năng động, đèn pha mắt híp chạy theo xu hướng thì Ertiga đến hiện tại vẫn mang kiểu dáng "bầu bĩnh", khá già dặn, thực dụng và bảo thủ đặc trưng của xe Nhật Bản. Đặc biệt, nếu so về trang bị an toàn, mẫu MPV Suzuki cũng thiếu khá nhiều tính năng so với các đối thủ đồng hương.
Tương tự Ertiga, những mẫu xe còn lại của Suzuki như Swift và Ciaz cũng không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng nếu so với các đối thủ cùng phân khúc. Swift thua kém Mazda2 hatchback và Toyota Yaris về trang bị. Trong khi Ciaz dù có lợi thế về độ rộng rãi nhờ kích thước vượt trội cùng giá bán hấp dẫn; tuy nhiên nhiên kiểu dáng lại quá "chững chạc" và không hợp với giới trẻ - đối tượng khách hàng chủ lực của nhóm xe hạng B.
Điểm yếu tiếp theo của các mẫu xe du lịch Suzuki nằm ở sự hạn chế, hay đúng hơn là "nghèo nàn" về phiên bản. Tương tự dải sản phẩm vốn dĩ đã kém thu hút vì số lượng ít ỏi; với mỗi mẫu mã, khách hàng tại Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn nếu mua những mẫu xe mà hãng xe Nhật Bản đang phân phối. Swift, Ciaz, XL7 đều chỉ có một phiên bản. Jimny có hai lựa chọn nhưng cơ bản chỉ khác nhau cách phối màu. Trong khi, Ertiga – mẫu xe được xem là đa dạng tùy chọn nhất cũng chỉ có 2 bản gồm AT và MT, khác nhau cơ bản ở hộp số.
Trong khi đó, nếu nhìn sang những đối thủ cạnh tranh, sự khác biệt là rất rõ ràng. Mazda2 nếu tính cả biến thể Sport có đến 5 phiên bản. Hyundai Accent bán ra tổng cộng 4 tùy chọn; Honda City hay Toyota Vios cũng đều có ít nhất 3 phiên bản. Trong khi ở nhóm xe gia đình cỡ nhỏ, Mitsubishi Xpander mang đến cho khách hàng đến 5 lựa chọn.
Không thể phủ nhận, Suzuki Việt Nam thời gian gần đây đã rất nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ (đặc biệt là hậu mãi), cùng với đó là áp dụng nhiều chính sách ưu đãi giá để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, nếu không cải thiện được những điểm yếu về sản phẩm kể trên, có lẽ hãng xe Nhật Bản sẽ rất khó trụ lại thị trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh sự cạnh tranh đang gay gắt hơn khi ngày càng xuất hiện nhiều mẫu mã, thương hiệu ô tô với ở nhóm xe phổ thông.