Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

08:53 - 17/02/2024

Trong năm 2023, Việt Nam đang thể hiện rõ những bước đi vững chắc cho mục tiêu đổi mới sáng tạo.

Dùng AI để chẩn đoán sâu bệnh

Việt Nam có gần 28 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 4 triệu ha đất trồng lúa. Sự ra đời của các ứng dụng công nghệ canh tác mang tính đổi mới sáng tạo được đánh giá là giải pháp thông minh với hiệu quả tạo bước đột phá về năng suất lẫn chất lượng của các loại nông sản.

Ứng dụng 2Nông được đưa vào sử dụng rộng dãi gần 6 năm nay. Đây là nơi mà các kiến thức nông nghiệp trên thế giới được lựa chọn để có thể phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại Việt Nam. Cùng với đó là sử dụng công nghệ AI để hệ thống và chẩn đoán sâu bệnh cũng như cảnh báo thời tiết hay cá nhân hóa quy trình công tác đến từng người nông dân. Điều này cũng sẽ giúp người nông dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng toàn thời gian trên diện tích hàng chục triệu ha nông nghiệp sẵn có của cả nước.

Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

Sự ra đời của các ứng dụng công nghệ canh tác mang tính đổi mới sáng tạo được đánh giá là giải pháp thông minh với hiệu quả tạo bước đột phá về năng suất lẫn chất lượng của các loại nông sản.

Anh Lê Trường Giang (huyện Chợ Mới, An Giang) cho biết với những kiến thức anh đã học hỏi được từ ứng dụng, trên diện tích gần 3 ha lúa, gia đình anh đã tiết kiệm được gần 6 triệu đồng tiền phân bón

"Với chia sẻ kinh nghiệm canh tác nông nghiệp giúp ích cho mình tiết kiệm được tiền bạc, nâng cao được lợi nhuận. Người nông dân rất vui", anh Giang nói.

Không chỉ nông nghiệp, hoạt động đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang tiếp cận đến những lĩnh vực mà trước đây chúng ta gần như chỉ có thể nhập khẩu.

Với chi phí chỉ bằng 1/15 so với các thiết bị nhập khẩu, mô hình giả lập về các hệ thống điện tử trên một khoang lái máy bay đã được các thầy giáo, kỹ sư người Việt Nam sáng tạo và thiết kế.

Trải qua nhiều năm nghiên cứu, thầy Nguyễn Mạnh Hùng và đội ngũ của mình luôn giữ quan điểm người Việt Nam thông minh, cần cù và chịu khó, người ta làm được mình cũng sẽ làm được. Hiện một số mô hình mô phỏng các thiết bị nhập khẩu đa được thầy Hùng và các đồng nghiệp thiết kế, sáng tạo và đưa vào hoạt động huấn luyện kỹ thuật bảo dưỡng bay.

"Chúng tôi là những người Việt, chúng tôi hiểu trên thực tế thiếu những gì và cần những bù đắp. Chúng tôi sẽ truyền lửa được cho thế hệ tiếp theo sáng tạo và làm ra những sản phẩm tốt hơn", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Huấn luyện Kỹ thuật và Bảo dưỡng tàu bay, Học viện Hàng không VietJet nói.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những ví dụ cho thấy, quá trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã và đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bởi từ những người nông dân chân lấm tay bùn cho đến những công ty hàng nghìn nhân viên đều hiểu rằng, không đổi mới sáng tạo đồng nghĩa với thất bại trong tương lai không xa.

"Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là "đòn bẩy" quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bắt kịp về công nghệ là cơ hội cho Việt Nam vì đây là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyển từ công nghệ thay thế sang công nghệ hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua đổi mới sáng tạo", PGS.TS. Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (IoIT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá.

"Bà đỡ" cho đổi mới sáng tạo

"Chúng ta tin tưởng việc khánh thành cơ sở của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc sẽ tạo ra không gian đổi mới sáng tạo mới cho đất nước. Thể hiện rõ nét tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới để phát triển, trở thành hình mẫu đổi mới sáng tạo cho đất nước" là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ khánh thành cơ sở mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia - NIC Hoà Lạc ngày 28/10/2023.

Tổng kinh phí xây dựng cơ sở mới của NIC Hòa Lạc là gần 1.000 tỷ đồng, hoàn toàn không sử dụng ngân sách Nhà nước. Thay vào đó, là huy động các nguồn tài trợ, đóng góp từ doanh nghiệp trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư.

Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hoà Lạc

Lễ khánh thành NIC Hoà Lạc là sự kiện đánh dấu những thay đổi đáng kể trong công cuộc đổi mới sáng tạo của nước ta. Việc khởi công cơ sở mới của NIC diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có nguy cơ tụt hậu về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động so với một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Hiện nay, tỉ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam (bao gồm cả khu vực Nhà nước và tư nhân) chỉ khoảng 0,44% GDP - mức rất thấp so với mức bình quân của thế giới là 2,23%.

Với thiết kế hình cánh chim đại bàng cất cánh, NIC Hoà Lạc sẽ tạo ra những điều kiện lý tưởng về hạ tầng, môi trường thể chế pháp luật và thử nghiệm chính sách. Và cũng để đón "đại bàng" trong lĩnh vực công nghệ, từ đó, thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển và vươn tầm thế giới.

"NIC Hoà Lạc có diện tích sàn gần 20.000 m2, tọa lạc trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc, gồm hai khối nhà làm việc và một khối nhà trung tâm. Nơi đây sẽ tập trung cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, hội thảo, diễn đàn, tạo không gian nghiên cứu phát triển, thúc đẩy giao lưu kết nối, chuyển giao công nghệ", ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết.

Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia

Ông Huy cho hay, thời gian qua, NIC đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta, Amazon… để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. NIC cũng kết nối với các chuyên gia khoa học công nghệ Việt Nam hàng đầu trên thế giới thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam dựa trên các nhu cầu thực tiễn trong nước nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn chất xám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thực hiện Chiến lược 4.0.

"Mục tiêu và sứ mệnh của tòa nhà này là phát triển hệ sinh thái tầm cỡ khu vực và thế giới về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hệ sinh thái ấy bao gồm các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước, họ có thể lập các phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), cũng như các văn phòng dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại đây", ông Huy nói.

Dọn tổ đón "đại bàng"

"Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn", Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn nghìn tỷ đô NVIDIA - Jensen Huang nói trong chuyến làm việc tại Việt Nam vào tháng 12/2023.

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và AI, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo ông Jensen Huang, AI là làn sóng mới đã xuất hiện và có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay. Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam.

"Đây là thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho Việt Nam và NVIDIA thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của NVIDIA.

Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam", tỷ phú công nghệ nhấn mạnh.

Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang trong chuyến làm việc tại Việt Nam

Không chỉ NVIDIA, các ông lớn công nghệ khác như Google, Apple, Qualcomm, SpaceX, Intel, Synopsys, Cadence hay SK, Foxconn, Samsung… đều một lần nữa cho biết, họ thực sự quan tâm và mong muốn đầu tư lớn tại Việt Nam, nhất là mảng bán dẫn.

Tại buổi gặp gỡ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, CEO Apple Tim Cook nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nằm trong chiến lược kinh doanh đặc biệt của Apple. Hiện nay, hãng đang có một số sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, như Macbook, Ipad, Apple Watch, thu hút hàng nghìn lao động tại chỗ.

CEO Tim Cook đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều hãng điện tử, công nghệ hàng đầu thế giới và Hoa Kỳ đã triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Việt Nam sở hữu đội ngũ kỹ sư, nhân viên công nghệ trình độ cao.

Chia sẻ tại tọa đàm "Việt Nam - Địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội và thách thức", ông Nguyễn Thắng Vượng - Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, tập đoàn Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; tập đoàn Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng trị giá đầu tư tới 4 tỷ USD. Xu hướng dịch chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng.

Tháng 9, Synopsys, Inc. công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đã ký hợp tác với NIC để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam, trong đó Synopsys sẽ hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Ông Robert Li – Phó Chủ tịch Tập đoàn Synopsys cho biết trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc bao gồm các công nghệ tiên tiến trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm, đồng bộ thiết kế hệ thống chip cùng với đạo tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao.

Không chỉ các ông lớn nước ngoài, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cũng đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi lớn toàn cầu, với những công nghệ mới như sản xuất chip bán dẫn. Như FPT, thời gian qua, công ty này đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu con chip từ các đối tác Nhật Bàn, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)

Từ “kích hoạt” bệ phóng đổi mới sáng tạo đến “đại bản doanh” công nghệ

CEO Apple, ôngTim Cook đánh giá nền kinh tế số của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ.

"Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã nói rằng, trong tương lại trên chiếc áo con người mặc có thể có số chip lớn hơn toàn bộ số chip bạn dùng trong cuộc đời mình. Mọi vật sẽ đều trở thành thông minh, tất cả đều được gắn chip, vấn đề là năng lực sản xuất chúng ta. Nên Chính phủ đã ra yêu cầu đầu tư trong thời gian tới, 5 vạn kĩ sư về bán dẫn. Đây là lời giải để nắm bắt cơ hội cho Việt Nam, trong khi chúng ta đang trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Đây là một hy vọng rất lớn cho đất nước và khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy, chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nếu không làm chủ được bán dẫn, chúng ta sẽ luôn đứng bên lề của công nghệ lõi.

Cơ hội cho Việt Nam là rất lớn song ông Huy nhấn mạnh thách thức cũng không hề nhỏ. Ông Huy cho rằng để để thu hút, hội tụ trí tuệ, tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các start-up.

Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các start-up công nghệ, tạo nên khả năng huy động vốn cho start-up, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ.

Tại Chương trình Dấu ấn Techfest – Whise 2023 vào tháng 11/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mặc dù đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam.

"Chúng ta phải coi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, mở ra không gian phát triển mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tháng 9/2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.


 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...