Việt Nam hiện có gần 150 bảo tàng và phần lớn trong số đó hiện đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau.
Phần lớn các bảo tàng hiện nay đã ứng dụng công nghệ ở các mức độ khác nhau. Mức độ đơn giản là xây dựng trang web, số hóa một số hiện vật dưới dạng 2D, 3D. Cao hơn là ứng dụng đồng bộ trên nền tảng Android và IOS, để khách tham quan có thể quét mã QR, tìm hiểu thông tin về các hiện vật. Số hóa đang giúp cho hoạt động bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn với người xem.
Với nhiều khách tham quan, ấn tượng và thích nhất là bảo tàng trực tuyến 3D. Mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 lượt truy cập, xem tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Theo anh Đào Tuấn Anh - Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng các ứng dụng tham quan thông minh trên điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng, tích hợp nền tảng đa ngôn ngữ trên thiết bị audio phục vụ thuận lợi cho khách tham quan nước ngoài.
Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi số được coi là tất yếu trong hoạt động bảo tàng, phát triển mạnh ở một số bảo tàng như: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp các bảo tàng lưu giữ tốt hơn di sản phục vụ công tác nghiên cứu, mà còn đưa các hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...