Một lực lượng lao động mới đang thâm nhập rất nhanh vào thị trường lao động là “lực lượng Gen AI” gồm thiết bị, phần mềm tự động hóa, robot, chatbot… và nhân sự Gen Z có kỹ năng về sử dụng Gen AI.
Theo số liệu nửa đầu năm 2023, thị trường công nghệ toàn cầu đã cắt giảm hơn 94.000 lao động. Các công ty như Microsoft, Alphabet và Amazon cũng đối mặt với việc nhân sự bị cắt giảm đáng kể. Meta (công ty mẹ của Facebook) đã cắt giảm hơn 11.000 công nhân, tương đương 10% tổng số lực lượng lao động, Google sa thải hơn 12.000 nhân viên, Twitter đã loại bỏ hơn 6.000 công nhân, chiếm khoảng 80% tổng số nhân sự của họ.
Song, doanh thu và lợi nhuận của những tập đoàn công nghệ này không những không giảm theo, mà con tăng hơn những năm trước đó.
Quản trị nhân sự thay đổi khi lực lượng lao động Gen AI xuất hiệnCác chuyên gia chỉ ra rằng Gen AI (General AI - công nghệ trí tuệ nhân tạo tổng quát) đóng vai trò cốt lõi trong việc mang lại kết quả này, giúp các DN tối ưu chi phí, nguồn lực trong khi vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu kinh doanh. Vì thế, sa thải hàng loạt có thể là một dấu hiệu về sự ra đời của thế hệ lực lượng lao động mới - Gen AI.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, hiện nay 70% Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) có thể sử dụng công nghệ Gen AI, và đây là lực lượng đang được ưu tiên tuyển dụng trên toàn cầu, với 72% có kỹ năng Gen AI được tuyển dụng.
“Từ đó, các doanh nghiệp có thay đổi lớn về quản trị nhân sự, trong đó đặc biệt tập trung vào việc giữ chân Gen Z với các kỹ năng AI để duy trì sự phát triển. Bởi vì, ngay tại FPT hiện nay, công ty có 65.000 người hoạt động ở 34 quốc gia, 63 tỉnh thành ở Việt Nam, trong đó có 48% nhân viên đang là Gen Z. Và không chỉ FPT, mà chỉ trong vòng 5 năm nữa, 50% lực lượng lao động trên thế giới sẽ là Gen Z”, ông Hoàng Nam Tiến cho hay.
Ông Hoàng Nam Tiến cũng cho rằng: “Có thể thấy một lực lượng lao động mới đang xuất hiện và đang thâm nhập rất nhanh vào thị trường lao động, đó là “lực lượng Gen AI” - một lực lượng mà nghĩa rộng, bao gồm các thiết bị, phần mềm tự động hóa, Generative AI (như robot, chatbot, chatGPT…) và các nhân sự Gen Z có những kỹ năng về sử dụng Gen AI”.
Nhân sự trong thời đại số đang được các doanh nghiệp tập trung hơn bao giờ hết khi trí tuệ nhân tạo ngày càng được ứng dụng nhiều vào tất cả các hoạt động của đơn vị, tổ chức.
Trí tuệ nhân tạo đẩy nhanh sự dịch chuyển lao động người và máyĐồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Quan hệ Khách hàng, Udemy Business tại Việt Nam nhận định, trí tuệ nhân tạo, nhất là trí tuệ nhân tạo tạo sinh đang đẩy nhanh sự dịch chuyển của tỷ lệ lao động giữa con người và máy.
Một báo cáo gần đây của McKinsey (công ty tư vấn quản trị toàn cầu, chuyên nghiên cứu chiến lược cho các tập đoàn, chính phủ và các tổ chức đa quốc gia) cho thấy tới nay, hơn 88% doanh nghiệp toàn cầu đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhân sự, trong đó khoảng 44% sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ rà soát và chọn lọc ứng viên tiềm năng.
Theo McKinsey, có tới 30% số giờ làm việc hiện tại ở Mỹ có thể được tự động hóa vào năm 2030. Goldman Sachs cho rằng có thể tự động hóa tới 300 triệu việc làm. Trong bối cảnh đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của nhiều doanh nghiệp vẫn là đầu tư vào đào tạo, học tập để đào tạo lại công việc cũng như tiếp tục tăng tốc chuyển đổi số.
Ông Phan Hồ Hà Phương, Trưởng phòng giải pháp trí tuệ nhân tạo của FPT Smart Cloud cho rằng việc trí tuệ nhân tạo thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nhân lực cũng như hoạt động quản trị nguồn nhân lực sẽ tạo ra cơ hội lẫn thách thức cho người lao động.
“Công nghệ giúp tự động hóa và giản lược các công việc lặp đi lặp lại, nhân sự các doanh nghiệp có thể dành nhiều thời gian hơn cho những công việc mang lại giá trị cao hơn. Mặt khác, dưới sức ép phải liên tục cải tiến, nâng cao năng lực, một khảo sát chỉ ra rằng, trên 90% nhân viên mong muốn doanh nghiệp có phương pháp đào tạo thông minh, liên tục”, ông Phan Hồ Hà Phương phân tích.
Việc ứng dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo như khởi tạo kho tri thức theo từng nghiệp vụ, sản phẩm... dưới dạng sơ đồ tri thức, thiết lập quy trình kiểm tra đánh giá toàn diện cũng như tự động khuyến nghị nội dung cải thiện phù hợp cho kho tri thức doanh nghiệp, có thể giúp các doanh nghiệp đánh giá chất lượng nhân viên theo quy trình sát sao, cá nhân hóa lộ trình nâng cao năng lực cho từng nhân viên, đồng thời, cung cấp hệ thống báo cáo chuyên nghiệp cho các cấp lãnh đạo.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo khác như voicebot, chatbot, xử lý tài liệu thông minh... cũng sẽ giúp tối ưu hóa quy trình tuyển dụng, mang lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên và tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...