GIAI THOẠI THÀNH CỔ CÓ 3 CỬA
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Lê Hồng Khánh (ở Quảng Ngãi), trong các thư tịch cổ, nhất là trong Đại Nam nhất thống chí (bộ sách dư địa chí VN do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức), thành Quảng Ngãi được xây dựng từ những năm đầu vua Gia Long lên ngôi. Thành được khởi công xây dựng năm 1807, đến năm 1815 hoàn thành, có sự giúp sức của người Pháp.
Thành cổ Quảng Ngãi xây bằng gạch, đá ong, vôi vữa tam hợp, có chu vi 2.008 m (500 trượng 2 thước), thành cao 4 m (1 trượng). Phía dưới chân thành có hào thành rộng 20 m (5 trượng) và sâu 4 m (1 trượng), nối thông với sông Trà Khúc phía tây bắc nhằm lợi dụng thế nước sông để bảo vệ thành. Mặt tiền của thành quay về hướng bắc, nhìn ra kinh đô Huế. Thành lấy sông Trà Khúc làm nhược thủy, lấy núi Thiên Ấn làm minh đường, hai bên hữu long, tả hổ là núi Ông và núi Đá Đen, núi Thiên Bút làm hậu chẩm.
Thành cổ Quảng Ngãi được xây dựng theo kiến trúc Vauban (vuông), nằm trên địa phận xã Cù Mông (sau đổi là Chánh Mông, tổng Nghĩa Điền, H.Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nay P.Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi).
Trong 4 cửa thành này, cửa tây là đường Nguyễn Bá Loan hiện nay, cửa đông là đường Nguyễn Du, cửa nam là đường Nguyễn Nghiêm, cửa bắc là đường Trương Quang Trọng. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi cho rằng có thể những con đường này xây trên hào thành thuở xưa.
Đường từ cửa tây xuống cửa đông là đường xuyên tâm (nay là đường Lê Trung Đình), phân chia nội thành Quảng Ngãi thành 2 khu vực. Phía bắc có dinh án sát, bố chánh, đốc học, lãnh binh, thái y viện (nhà thương), trại lính, nhà ở của viên chức… Phía nam là trại lính, hành cung (nơi nghỉ của vua khi đi kinh lý và du ngoạn), trường đốc (trường tỉnh do đốc học làm hiệu trưởng). Sau khi thực dân Pháp xâm lược, khu phía bắc thành Quảng Ngãi bỏ dinh bố chánh và trại lính, xây thêm dinh phó sứ, lục lộ và bưu điện; khu phía nam bỏ trường đốc, thay bằng biệt thự và văn phòng của công sứ.
Do thành quách, cổng thành và các dinh thự ngày xưa không còn, việc tìm hiểu kiến trúc thành cổ Quảng Ngãi phải dựa vào các thư tịch cổ như: Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí (bộ sách địa chí được biên soạn thời vua Đồng Khánh và vua Thành Thái triều Nguyễn), Quảng Ngãi tỉnh chí (công trình biên khảo do Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Đình Chí, Khiếu Hữu Kiều thực hiện, được đăng tải nhiều kỳ trên Nam Phong tạp chí năm 1933)…
Vấn đề thành cổ Quảng Ngãi có 3 hay 4 cửa thành trong các tài liệu này có khác nhau. Trong Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí ghi chép là thành cổ Quảng Ngãi có 3 cửa: đông, tây, bắc. Trong Quảng Ngãi tỉnh chí ghi chép thành cổ Quảng Ngãi có 4 cửa: đông, tây, nam và bắc. Cửa nam sau này bị lấp lại nên chỉ còn 3 cửa.
Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, đây là lối ghi chép theo hiện trạng, nên có cách hiểu nguyên trạng thành cổ Quảng Ngãi có 4 cửa, sau 1 cửa bị lấp, còn lại 3 cửa. Cửa nam thành cổ Quảng Ngãi bị lấp có thể một phần do hướng này dễ cháy, hay xảy ra hỏa hoạn nên sau người ta phá nó đi. Theo kiến trúc Vauban, luôn luôn là thành xây lên có 4 cửa, cá biệt như thành Hà Nội có 5 cửa thành (cửa chính bắc, chính đông, chính tây, đông nam và tây nam).
AI ĐẶT TÊN CẨM THÀNH ?
Theo các nhà nghiên cứu, thành cổ Quảng Ngãi còn được gọi là Cẩm Thành, còn ai là người đặt tên này thì chưa biết.
Nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767) là người đưa tên Cẩm Thành ở Quảng Ngãi vào văn thơ. Khi ông giữ chức Tuần vũ Quảng Ngãi (khoảng 1750 - 1752) có sáng tác Quảng Ngãi thập nhị cảnh (làm thơ về 12 cảnh đẹp của Quảng Ngãi), có đưa chữ Cẩm Thành vào thơ.
Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Cư Trinh mất (năm 1767) đúng 40 năm thì thành cổ Quảng Ngãi mới bắt đầu xây dựng, làm sao ông có thể đặt tên thành là Cẩm Thành được? Một số ý kiến cho rằng, có thể Nguyễn Cư Trinh nhắc đến Cẩm Thành là thành phủ Quảng Nghĩa khi trước đó đóng ở xã Phú Nhơn, phía bắc sông Trà Khúc (nay là P.Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi). Khi phủ lỵ và thành Quảng Ngãi xây xong ở phía nam sông Trà Khúc, thì cái tên Cẩm Thành được mang theo.
PHAI MỜ THÀNH CỔ
Bây giờ, Cẩm Thành ngày xưa không còn. Dạo bước qua đường Cẩm Thành, đường Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi), được xem là khu vực tường thành và hào thành ngày ấy, giờ là đường phố, nhà cửa mọc lên. Chúng tôi cố gắng đi tìm dấu vết hào thành nhưng chỉ còn đoạn hào chảy ra sông Trà Khúc. Nơi này được cho là phía tây bắc thành cổ Quảng Ngãi, giờ bị vùi lấp, không sâu 4 m như những ghi chép để lại. Hào thành xưa rộng 20 m, giờ nơi giáp sông Trà có đoạn còn lại rộng nhất là 4 m.
Người dân ở đây cho biết, ngày trước con hào này (hay gọi là sông Đào) là nơi tiêu nước của một nửa TP.Quảng Ngãi. Nước lụt chảy qua hào thành này rất mạnh, ngay chỗ gần ra sông Trà Khúc, người dân dùng bè rớ bắt cá và dân TP.Quảng Ngãi hồi đó thường xem rất đông. Mấy năm nay, hào thành bị lấp đi ít nhiều, các khu đô thị cũng mọc lên, lấp và chặn dòng thoát lũ nên hào thành không còn như xưa. (còn tiếp)
Theo sách Đồng Khánh dư địa chí, cửa thành Quảng Ngãi xây hình vòm uốn, có cửa sắt, bên trên có vọng lâu để quan sát và bảo vệ thành, có trang bị súng thần công.
Trong một bức ảnh do TS Nguyễn Đăng Vũ (nhà nghiên cứu văn hóa, ở Quảng Ngãi) tìm được, nghi là cổng phía đông thành cổ Quảng Ngãi được chụp năm 1906, chú thích bằng tiếng Đức, cổng thành hình vòm uốn, bên trên có vọng lâu, có thấy một mái nhà lợp ngói và một trụ cổng.