Sân khấu đã từng làm méo mó hình ảnh người đồng tính
Trước đây, đa số vở kịch thường chọn cách thể hiện người đồng tính theo lối phô trương, ồn ào, lố lăng, thậm chí một số nhân vật còn có vẻ thô lỗ. Cứ người đồng tính là phải tô mắt xanh lè, dát kim tuyến rực rỡ, hai má trét phấn như búp bê, môi đỏ chót, đầu gắn bông hoa to đùng sặc sỡ, tóc bím búa xua hoặc bung xù dị hợm. Còn về trang phục, quần áo thì mặc định như "hộp bút màu" đủ hết các tông, thêm ren tua, kim tuyến lòa xòa, mang dép thỏ, bướm, mèo, chó...
Với tạo hình như vậy, hình ảnh người đồng tính trên sân khấu thực sự khó gây được cảm tình với người khác, với xã hội. Chưa kể, nhân vật còn ăn nói ồn ào, xỉa xói, chanh chua, thích dùng từ ngữ chợ búa hoặc có những phản ứng, gào thét bất thường.
Nói chung, ê kíp đạo diễn và diễn viên đều muốn những nhân vật đồng tính này gây hài, gây cười, nhưng lại thành hài kém duyên, thậm chí phản cảm.
Trong đời sống thực tế, người đồng tính cũng như người dị tính, hòa lẫn vào trong xã hội muôn màu muôn vẻ, chứ không bị "mặc định" như cách các sân khấu đã hình dung và "đóng đinh". Muốn viết và diễn về người đồng tính, lẽ ra phải cố gắng tạo nét đẹp, tạo thiện cảm cho người xem, để bớt đi những định kiến trong xã hội, chứ không phải làm tăng thêm sự khác biệt, sự dị hợm, khiến người xem càng không muốn tiếp cận, tạo hiệu ứng ngược.
NSND Mỹ Uyên chia sẻ: "Khán giả ngày càng khó tính, cho nên sân khấu càng phải thận trọng. Khi dựng nhân vật đồng tính, chúng tôi hiện giờ cố gắng làm cho đẹp hơn, hợp lý hơn, gần gũi cuộc sống thật. Từ đó khán giả dễ đồng cảm với họ". Sân khấu một thời đã làm lố về người đồng tính và làm hỏng thẩm mỹ khán giả. Thực tế thì những vở diễn đó cũng đã bị sàng lọc, dẹp bỏ.
Những bước tiến bộ
Vài năm gần đây, đã có những vở kịch đề tài đồng tính mang dấu hiệu tiến bộ, khắc họa nhân vật có thân phận, có khoảng lặng, có tâm lý, làm khán giả khóc cười theo nhân vật. Khán giả dù giới tính nào cũng có thể đồng cảm được.
Kịch 5B có vở Bồ công anh với hai nhân vật nam đều mang tên Trần Công Anh, ngụ ý rằng dường như tạo hóa sinh ra hai người là để gắn chặt họ với nhau. Nhưng một người bị bà mẹ khắc nghiệt bắt phải cưới vợ, còn một người phải trốn lên núi lánh xa miệng đời. Hai diễn viên Hoàng Ngọc Sơn và Hữu Tài đã thể hiện rất hay hai nhân vật nam này, với sự tinh tế, nho nhã, lịch thiệp, đúng mẫu người trí thức có ăn học, gia giáo. Cả hai đều đào sâu tâm lý, thể hiện nét đẹp tâm hồn trong bối cảnh thơ mộng của vùng đồi núi. Lấy hình ảnh hoa bồ công anh tan tác bay theo gió làm chủ đề, vở kịch càng được nâng chất và để lại ấn tượng với người xem.
Sân khấu Thế Giới Trẻ Tết Nguyên đán vừa qua có vở Bóng đàn ông kể câu chuyện về anh Sang, một nhân vật cũng bị gia đình bắt cưới vợ, sinh con nối dõi tông đường, cuối cùng anh vẫn phải trở về với con người thật của mình. Minh Dự đóng vai Sang với sự tiến bộ rõ rệt. Anh vẫn tung miếng hài theo đúng sở trường nhưng bên cạnh đó đã biết tiết chế, thể hiện tốt tâm lý nhân vật, tạo khoảng lặng cảm động, khán giả có lúc không cầm được nước mắt.
Đạo diễn Cao Tấn Lộc nói: "Tôi muốn Minh Dự phát triển hơn, tạo được những nhân vật có chiều sâu. Ngay cả những nhân vật đồng tính khác cũng không được bầy hầy". Trong vở kịch, Gia Bảo đóng vai nhân vật nữ đồng tính Hoàng Dung bên cạnh Minh Dự cũng hài mà rất duyên.
Trước đó, sân khấu Quốc Thảo dựng vở Những người dị mộng mơ tuy không phải đề tài đồng tính nhưng có nhân vật đồng tính, do diễn viên trẻ Bảo Minh đóng, để lại cảm xúc dễ chịu. Một cô gái bị gia đình hắt hủi, bèn nương tựa vào gánh hát nghèo như mái ấm đời mình. Bảo Minh diễn tốt, tạo hình đẹp, tạo cảm tình với người xem. Thực sự, khán giả không kỳ thị đề tài đồng tính, cũng không xem vì sự hiếu kỳ. Vấn đề là sân khấu cần dựng vở sao cho đẹp, đúng với đời sống và mang lại sự đồng cảm với những số phận con người.