Chỉ 2 tuần trước khi diễn ra, fanpage của nữ ca sĩ Hà Trần (Trần Thu Hà) đã ra thông báo chính thức tạm hoãn dự án concert Thiên hà tinh khôi - 30 năm tiếng hát Hà Trần tại TP.HCM (ngày 10.8) và Hà Nội (24.8). Lý do được đưa ra là nhà sản xuất không còn đủ năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu mang đến một live concert tầm vóc như mong đợi cho cả nghệ sĩ cũng như khán giả. Nhà sản xuất của dự án cho biết đây là "quyết định cực kỳ khó khăn và đầy tiếc nuối" khi 5 tháng qua tất cả mọi khâu chuẩn bị đã được tiến hành một cách sát sao.
Đây là live concert đầu tiên trong sự nghiệp của Hà Trần, đánh dấu 3 thập niên hoạt động âm nhạc. Nhằm mang đến những cảm xúc từ nguyên bản nhất đến bùng nổ nhất bằng sự dàn dựng công phu của âm nhạc, công nghệ, hiệu ứng âm thanh ánh sáng, đêm diễn này dự kiến sẽ có những điểm mới như áp dụng sân khấu nước với công nghệ trình diễn 3D mapping hiện đại. Cũng chính điều này khiến đêm diễn bị dời địa điểm nhiều lần, từ ban đầu là Nhà thi đấu Quân khu 7 với quy mô lớn về Nhà hát Hòa Bình - có số ghế khiêm tốn hơn, nhưng không gian trong nhà giúp khán giả có thể tập trung nhìn về một hướng cùng sự giật cấp về độ cao giúp tái hiện chính xác hiệu ứng mà công nghệ này mang đến.
Vào sáng 29.7 (trước khi thông tin tạm hoãn đưa ra ít giờ), theo quan sát của phóng viên, trang bán vé online của concert Thiên hà tinh khôi vẫn chưa có hạng vé nào bán hết dù đã cận ngày tổ chức. Trước đó ê kíp cũng đã làm rất nhiều cách để thu hút khán giả, như công bố khách mời bí ẩn là rapper Đen Vâu, người có lượng người hâm mộ đông đảo, nhưng tình hình cũng không được cải thiện.
Việc hủy show này tương tự với sự kiện Just Rock vào tháng 7 vừa qua, khi lượng vé bán ra không như kỳ vọng dẫu đã thay đổi địa điểm từ Phan Thiết về TP.HCM, khiến music festival này phải lỡ hẹn với khán giả dù có nhân vật chủ chốt là Hải Bột - giọng ca chính của nhóm Quái Vật Tí Hon - trở lại trình diễn sau 5 năm vắng bóng.
Có thể nói cả hai sự kiện không thể diễn ra đã để lại những tiếc nuối lớn cho người hâm mộ bởi đây đều là các live concert và music festival hứa hẹn có chất lượng nghệ thuật cao. Trong bối cảnh rock Việt gặp nhiều khó khăn, nếu Just Rock tổ chức thành công thì có thể khẳng định đây là sự kiện lớn nhất của dòng nhạc này. Trong khi đó, việc gần 3 thập niên mới có một sân khấu dành riêng cho mình cũng khiến nhiều khán giả từ trước đến nay của Hà Trần tiếc nuối. Vậy đâu là nguyên nhân khiến những sự kiện này gặp nhiều khó khăn?
Thất bại trong việc đảm bảo trải nghiệm khán giả
Nếu so sánh, có thể thấy tuy cùng tổ chức "trái mùa" khi rơi vào thời điểm không phải cao điểm của các liveshow, nhưng những đêm diễn của Trung Quân (1689) và Mỹ Tâm (My Soul 1981 tại Đà Nẵng) gần đây lại khá thành công. Do đó nguyên nhân về tính thời điểm hoặc điều kiện thời tiết bất lợi có thể loại trừ. Lý do khiến lượng vé bán ra không như kỳ vọng, trước hết có thể nằm ở việc nhìn nhận thiếu chính xác quy mô khán giả. Với Just Rock là dòng nhạc còn kén khán giả và việc tổ chức dưới quy mô music festival kéo dài nhiều tiếng đồng hồ là thách thức lớn. Còn với Hà Trần, tuy tạo được tiếng vang lớn sau chương trình Ca sĩ mặt nạ và có lượng khán giả trẻ tăng đột biến, nhưng do thẩm mỹ âm nhạc đặc biệt, không thuộc nhóm đông đảo, nhìn chung những người đã đồng hành cùng nữ ca sĩ suốt 30 năm qua đều là những khán giả 7X, 8X, dẫn đến rất khó lấp đầy các địa điểm lớn như Cung điền kinh Mỹ Đình hay Nhà thi đấu Quân khu 7 như dự kiến trước đó.
Với tệp khán giả như nói trên, hình thức mua vé cũng cần chú trọng đặc biệt. Show Thiên hà tinh khôi không phát hành "vé cứng" như truyền thống mà chỉ có vé theo mã QR, thêm vào đó các show diễn này cũng không cho khán giả chọn ghế cố định ở từng hạng vé mà có thể ngồi ở bất cứ đâu khi đến xem show. Điều này có phần dễ hiểu với sân khấu ngoài trời như Cung điền kinh Mỹ Đình (Hà Nội) khi các ghế có thể xếp thêm, nhưng với nơi cố định như Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) thì việc không được chọn chỗ trong hạng vé mình mua là bất lợi lớn. Điều này khiến tình hình bán vé gặp nhiều khó khăn.
Nói về việc này, một đại lý phân phối vé cho biết: "Không phải do ca sĩ không thu hút, show diễn không hot, mà việc vé bán ra ít nằm ở khâu phân phối vé, hình thức mua bán vé và dạng vé". Anh cho biết cứ 10 khách hỏi thì đến 9 người không muốn mua nữa vì ban tổ chức không ghi rõ số ghế. Anh cũng nói thêm khán giả của Hà Trần chủ yếu là thế hệ trước, việc phải bỏ ra hàng triệu đồng chỉ để nhận về một mã QR khiến họ ngần ngại và những thao tác với mã QR là tương đối phức tạp. Quy trình xử lý vé lỏng lẻo cũng được nhìn thấy ở khâu tổ chức Just Rock, khi giá vé liên tục hạ xuống trong những ngày sát chương trình diễn ra, khiến không ít khán giả cảm thấy bức xúc vì đã ủng hộ chương trình từ những ngày đầu với giá niêm yết…
Những điều nói trên cho thấy bên cạnh việc đảm bảo chất lượng chương trình, thì việc xác định đúng tệp khán giả và làm cách nào để người thưởng thức được trải nghiệm thuận tiện, dễ dàng nhất cũng rất quan trọng; nhất là với các đêm diễn mang tính chất đặc biệt, phục vụ lượng khán giả nhất định.
Chia sẻ với Thanh Niên, đạo diễn Vân Trình, người mang nhiều show diễn VN ra quốc tế, cho biết nếu nói rộng ra thì hiện nay cách phát hành và bán vé QR của các nhà sản xuất VN đã khá chỉn chu và chuyên nghiệp, tiệm cận với cách làm trên thế giới. Anh dẫn chứng các show diễn mà Xin Chào Entertainment sản xuất gần như 100% các đêm nhạc đều áp dụng vé QR. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ thêm vẫn còn một bộ phận khán giả chưa quen với hình thức mua vé/quy trình bán vé mới này. Theo anh, "mỗi tệp khán giả sẽ có xu hướng và hành vi tiêu dùng khác nhau, các nhà sản xuất cần tính toán để mang lại cho họ một trải nghiệm thưởng thức phù hợp".