La Traviata đã được dàn tập trong suốt 4 tháng với đầy ắp ngôi sao, cùng với sự tham gia của dàn hợp xướng VNOB Belcanto và dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices, vở nhạc kịch đánh dấu cùng lúc nhiều kiểu hợp tác khác nhau: hợp tác quốc tế, hợp tác công tư, hợp tác chuyên nghiệp và phong trào…
Theo NSƯT Phan Mạnh Đức, lý do chọn dàn dựng La Traviata bởi trước tiên đây là một trong những vở opera được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, với độ khó về thanh nhạc, khí nhạc, thách thức kỹ năng diễn xuất, việc dàn dựng La Traviata phiên bản 2024 này là cú nhảy vượt rào của chính nhà hát do ông lãnh đạo. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi dàn dựng trọn vẹn vở opera này", ông Đức cho biết.
Bên cạnh việc dàn dựng công phu với những đạo diễn, chỉ huy nước ngoài, La Traviata được chia thành 2 ê kíp diễn. Ông Đức hé lộ về việc năm tới sẽ bán vé cũng như hợp tác với Nhà hát Hồ Gươm sản xuất chương trình nghệ thuật, điều này thể hiện tầm nhìn hợp tác của cả hai đơn vị. Tầm nhìn đó là sẽ có nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến, kết hợp với nhiều nhà hát khác nhau (trong đó có Nhà hát Hồ Gươm) để sản xuất các chương trình biểu diễn tại đây. Quan trọng hơn, các hợp tác này có mục đích tiến tới sản xuất chương trình có bán vé thực sự, chứ không chỉ là diễn để khép lại hợp tác.
Việc này cũng nhắc nhớ đến sự hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm với Nhà hát Hoàng gia Versailles (Pháp). Thông tin từ thiếu tướng - NSND Nguyễn Công Bẩy, Giám đốc Nhà hát Hồ Gươm, cho biết theo thỏa thuận hợp tác, logo Nhà hát Hồ Gươm sẽ xuất hiện trong những chương trình của Nhà hát Hoàng gia Versailles ở nhiều nơi trên thế giới. Cả hai nhà hát cũng sẽ cùng sản xuất các chương trình nghệ thuật để biểu diễn tại VN cũng như lưu diễn. Với cách thức làm việc từ La Traviata, có thể kỳ vọng một vòng kết nối nghệ sĩ - nhà hát ở quy mô rộng hơn, thường xuyên hơn, giúp nuôi dưỡng bền vững nghệ thuật cổ điển trong nước, hướng tới chất lượng cao.