Ngôi nhà do ông Trương Văn Độ khởi cất năm 1865, tức 2 năm trước khi quân viễn chinh Pháp xâm chiếm đất Vĩnh Long. "Trương Văn Độ là ông cố tôi, ngày xưa là điền chủ. Đến đời ông nội tôi làm xã trưởng nên gọi là "ông xã Hai". Vùng này có địa danh đập Xã Hai, là con đập do nội tôi đắp. Mỗi lần tát, cá nhiều quá phải dùng cộ trâu để chở về", ông Trương Ngọc Phấn chia sẻ.
Cũng theo ông Phấn, hồi đó, trước khi cất nhà, nội của ông phải sang Campuchia mua gỗ rồi đợi đến mùa nước nổi mới kết bè, xuôi theo dòng nước đem về. Tất cả đều là gỗ căm xe và gõ đỏ. Lúc bấy giờ, thợ làm nhà từ miền Trung vào Nam ít nên ông phải thuê thợ địa phương thuộc vùng Cái Tàu Hạ (Sa Đéc) làm bộ giàn trò. Phần cột, kèo, xuyên, trính… đều là tác phẩm của thợ Cái Tàu Hạ. Riêng phần trang trí trong nhà như bao lam, liễn đối, hoành phi, khánh thờ… thì thuê thợ miền Bắc. Do vậy phải mất vài năm ngôi nhà mới làm xong.
Đến nay, đã gần 160 năm, ngôi nhà ông Phấn vẫn còn giữ được nhiều tác phẩm chạm khắc, hoa văn, họa tiết công phu, độc đáo. Bộ giàn trò ngôi nhà vẫn còn rất tốt. Chỉ có căn nhà dưới cất bằng gỗ thao lao, phần giác gỗ vài chỗ bị mối mọt nhưng lõi bên trong rất cứng. Riêng nhà trên làm bằng gỗ căm xe và gõ mật nên rất tốt, đinh đóng không vô.
Nhà ông Phấn diện tích
250 m2, cất theo lối chữ đinh với 3 gian, 2 chái, mặt tiền rộng đến 25 m bề ngang. Trong nhà hiện còn giữ bộ trường kỷ ghép đá cẩm thạch, cẩn xà cừ, chạm trổ tinh xảo cả hai mặt. Hai chiếc tủ thờ cẩn ốc xà cừ cũng được sắm từ lúc mới xây nhà. Ông Phấn kể lúc ông cố vừa làm nhà xong, ghe thương hồ từ miền ngoài chở tủ, ghế, vật dụng tới nhà gạ bán. Ông bảo nhà mới cất xong, hết tiền nên không mua. Nhưng họ vẫn khiêng đồ lên nhà bài trí và cam đoan bán chịu qua mùa lúa mới tới lấy tiền. Hòn non bộ ông chất trước sân là loại đá mà giới thương hồ xưa đem theo để dằn ghe.
Như vậy, nội thất nhà ông Phấn có nhiều món đã hơn thế kỷ, như bộ trường kỷ, tủ thờ, ván gõ, lục bình và các bộ hoành phi, câu đối. Giới mua bán nhà cổ nhiều lần tới gạ hỏi mua nhà. Họ đặt vấn đề tháo dỡ toàn bộ hoặc mua vài món như trường kỷ, tủ thờ... thậm chí, họ còn hỏi mua ốc xà cừ gắn trong mấy tấm liễn, nhưng ông Phấn thẳng thừng từ chối.
Sửa nhà theo túi tiền
Ngôi nhà của ông Phấn từng có 10 năm hợp tác làm du lịch. Tuy nhiên, thấy nhà mau xuống cấp, số tiền thu được không bù nổi chi phí sửa chữa nên năm 2018 gia đình ông Phấn không làm nữa. Hiện, phần vách tường xây bằng ô dước bị bong rộp ông phải tô lại bằng xi măng để bảo vệ lớp gạch bên trong. Phần nhà dưới lâu năm bị xuống cấp nên phải sửa, thay đòn tay và chỉnh lại chỗ bị oằn, lợp lại mái ngói.
Ông Phấn cho biết nhờ có người mua được ngói âm dương Biên Hòa, xài không hết nên chia lại cho ông, chứ nhà xưa mà lợp ngói tây thì coi không được. Còn rui mè thì hầu hết còn nguyên. Riêng nhà trên hồi xưa thợ làm có lớp ngói thí nên không bị dột ướt làm mục cây rui. Chỉ có bộ cửa song do ông nội ông làm vào năm 1917 và cửa bản truyền thống đời ông cố ông cũng đã hư nên phải thay mới, nhưng được thiết kế theo kiểu cổ nên không bị lạc điệu. Ngoài sân thì nền gạch tàu cũ đã hư bể, đóng rêu, nên cũng được thay bằng gạch mới, cũng là gạch tàu, nhưng mỏng và sáng hơn gạch xưa.
Riêng phần nhà dưới tuy đã sửa lại mái ngói nhưng bên trong vẫn giữ nguyên cách bài trí theo nếp cũ. Bộ bàn ghế xưa dùng để tiếp khách thường nhật, vách cửa buồng ngủ, trang thờ nữ thần độ mạng với những hoa văn, chạm trổ công phu, sơn son thếp vàng… đặt ở gian nhà vẫn còn nguyên vẹn.
Về chuyện làm du lịch, theo hợp đồng thì đơn vị lữ hành đưa khách tới, gia đình ông Phấn lo chỗ ăn, nghỉ và hầu hết là khách nước ngoài. Có lúc khách đông, phải bày thêm ghế bố ở nhà ngoài. "Bây giờ lớn tuổi rồi, gia đình đơn chiếc nên thôi không làm du lịch nữa. Nếu nhà xuống cấp thì mình có tiền bao nhiêu sửa bấy nhiêu", ông Phấn chia sẻ.
Hồi năm 2016, chúng tôi đã ghé thăm ngôi nhà xưa của ông Trương Văn Me, xây cất cùng niên đại và gần nhà ông Phấn. Hai người cùng họ và có chung đời ông cố với nhau. Cũng là nhà chữ đinh, 3 gian, 2 chái truyền thống, mái ngói rêu phong cổ kính. Chỉ có nền gạch da quy bị sụt lún nhiều chỗ theo thời gian. Đặc biệt là bộ bao lam các cột cái được thiết kế lửng cách mặt đất trên một mét, chân các bao lam chạm hình chiếc lục bình khá tinh xảo. Gian giữa nhà có tấm hoành "Trương phủ đường" sơn son thếp vàng, chạm cửa võng rất đẹp.
Thế nhưng, nay trở lại thì thấy ngôi nhà xưa đã bị xây tường ngăn đôi giữa nhà trên (3 gian) và nhà dưới (chữ đinh). Bên ngoài, một bức tường cao chia đôi luôn cả khoảng sân rộng. Muốn thăm lại ngôi nhà nên chúng tôi đứng trước cổng chờ. Khi thấy một phụ nữ mở cổng, chúng tôi xin phép vào thăm lại ngôi nhà nhưng bị người đó từ chối và lập tức khóa cổng lại.