Có thể thấy rằng, khán giả "nhỏ" thật, nhưng tư duy các em đã khác xưa, sẵn sàng lĩnh hội được những vấn đề lớn lao hơn chúng ta tưởng. Những thông điệp sâu sắc đã nâng tầm cho sân khấu và nâng tầm cả cho người thưởng thức.
Vở Mễ Cốc phiêu lưu ký (tác giả Việt Hương - Thạch Thảo, đạo diễn Việt Hương) của sân khấu Trương Hùng Minh là một bất ngờ. Kịch bản lấy thực tế cuộc sống là các em nhỏ bây giờ không thích ăn cơm, chỉ thích ăn những món hấp dẫn như gà rán, xúc xích, trà sữa, pizza…, thậm chí coi cơm gạo là quê mùa, còn những món kia là sang trọng, hợp trend. Từ đó, tác giả "phăng" về nguồn cội dân Việt và một số dân tộc lân cận vốn xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, được tạo hóa ban cho hạt gạo, chính là hạt ngọc, châu báu, nuôi sống con người qua hàng ngàn năm, phù hợp với thể chất con người trên vùng đất này hơn là những loại thực phẩm khác.
Phải chăng đến thời hiện đại, chúng ta đang rẻ rúng hạt gạo y như hoàng tử Mễ Cốc trong vở diễn, và cứ say mê chạy theo những món lạ miệng đến nỗi bị béo phì y như công chúa của xứ sở cà ri. Một thế hệ trẻ đang có suy nghĩ và xử sự như vậy. Cho nên vở kịch đã "kéo" các em nhỏ lại bằng cách phục hồi tiếng trống quen thuộc của dân tộc, bằng tiếng tù và ngân dài trên đồng ruộng bao la, bằng con trâu nhẫn nhịn cày bừa, bằng những bông lúa trĩu nặng nỗi niềm, bằng vị thần lúa nước hiền từ, bằng cả ba ông bà táo dễ thương nơi góc bếp… Những chi tiết đó biểu hiện cho nền văn hóa gốc của chúng ta, mà đôi khi chúng ta lãng quên, thậm chí chưa được hướng dẫn, tìm hiểu. Thế rồi vở kịch đã mở ra một chân trời xưa cũ nhưng lại rất mới, để khán giả nhí lẫn khán giả người lớn đều ồ lên, thì ra chúng ta có một kho báu ngọc ngà nuôi sống thể xác lẫn tâm hồn. Xem mà xúc động, bởi vở kịch đã vượt lên những giải trí thông thường và dẫn đến một tầm văn hóa cao hơn.
ĐẾN HIỆN THỰC XÃ HỘI CAY ĐẮNG
Vở Trạm cứu hộ động vật của sân khấu 5B lại mở ra cánh cửa hiện thực xã hội khá thẳng thắn. Liệu có cay đắng hay không khi lấy mật gấu, sừng hươu, lông chim, da báo… để làm trang sức, để ăn uống, trị bệnh. Đôi khi chúng ta đã nhân danh mấy chữ "phục vụ con người" mà tận diệt những thứ quý giá của thiên nhiên, tận diệt những giống loài hiếm hoi. Những khán giả nhí đang ngồi trong khán phòng kia có quyền được biết sự thật cuộc đời và chuẩn bị cho mình suy nghĩ đúng đắn, thái độ đúng đắn khi bước ra xã hội. Chẳng còn mấy năm nữa, các em sẽ lớn lên, có thể trở thành người giàu sang, quyền thế, có thể chạy theo những tệ nạn kia một cách vô tư vì nghĩ nó đang "phục vụ" mình. Vậy thì giáo dục các em ngay từ bây giờ không phải là quá sớm. Cứ mở cánh cửa cay đắng cho các em thấy nỗi khổ của các con vật, và của cả thiên nhiên, bị truy đuổi, bị tận diệt, chứ không hề dễ thương như con gấu bông trong nhà. Những mơ mộng là cần thiết, nhưng đôi khi cay đắng làm người ta trưởng thành hơn. Thông điệp là vậy, nhưng cách dàn dựng của 5B vẫn rất dễ thương, nhân văn, vui nhộn, mang đến hiệu quả về giáo dục. Vở diễn rất thành công.
VÀ NÂNG LÊN TRIẾT LÝ
Vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần (sân khấu IDECAF) tuy vẫn đi theo vệt cổ tích như trước nay, nhưng đã nâng tầm ý nghĩa lên rất cao. Vẫn là câu chuyện cũ, vẫn là Sinbad vượt qua biết bao trở ngại trên đời để đi cứu con người, cứu thế giới, nhưng tác giả Quang Thảo đã lồng vào đó một triết lý mới, một suy nghĩ của thời đại. Mắt thần vẫn có đấy, vẫn nhiệm màu thiêng liêng đấy, tuy nhiên sự nhiệm màu thiêng liêng chính là ngay trong suy nghĩ con người, ngay trong nội tâm, đạo đức con người. "Khi ta nhìn mọi việc trong cuộc sống một cách công tâm, bằng sự tử tế, bằng ánh nhìn yêu thương để không lạc lối trên hành trình làm người… Thì đó là Mắt Thần". Câu thoại đắt giá này đã thổ lộ ý đồ sâu xa của tác giả, thổi vào tâm hồn trẻ thơ một màu sắc mới, khiến cho mỗi người tự tin rằng ta đều có thể có được mắt thần chứ không chỉ là đôi mắt huyền thoại ở Ai Cập. Mắt thần ở khắp nơi, ở trong mỗi người, và sẽ khiến cuộc đời này tươi đẹp hơn.
Nói về vở diễn thiếu nhi trên sân khấu mình thời gian qua, NSND Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B, chia sẻ: "Có nhiều bé đến khoe với tôi "Cô Mỹ Uyên ơi, con coi vở này đến 3 lần luôn đó". Có bé còn nói coi tới 7 lần, khiến tôi giật mình, nhưng rất vui. Và các bé thuộc nhiều câu thoại trong vở, đặc biệt thuộc luôn những màn ảo thuật, cho nên diễn viên cũng phải đổi trò mới cho các bé không chán". Chị cũng khẳng định: "Thật sự, trẻ con hiểu hết những thông điệp mình đưa ra, cho nên mình cứ gieo những điều tử tế vào trái tim các em. Ngược lại, mình cũng tránh nói những câu xàm xàm, các em sẽ "học" rất nhanh, mình đâm ra có lỗi với thế hệ trẻ".
Tôi tin là các em hiểu được những thông điệp sâu xa mà nghệ sĩ chúng tôi gửi gắm vào vở kịch. Thời hiện đại, trẻ em trưởng thành hơn chúng ta nghĩ, cho nên cổ tích không thể diễn y như ngày xưa là chỉ kể những câu chuyện hấp dẫn, mà phải tìm được trong đó một nội hàm sâu sắc hơn, một thông điệp lớn hơn bản thân câu chuyện. Sân khấu phải làm được chức năng giáo dục chứ không chỉ là chức năng giải trí.
Tác giả Quang Thảo